Chiều qua, ngày 28/12, báo điện tử VnMedia đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Đối mặt hiểm họa cháy nổ xe”. Tới tham dự buổi tọa đàm có ông Võ Quốc Trường, Tổng biên tập báo điện tử VnMedia, tiến sĩ Nguyễn Minh Khương, Phó khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy Chữa cháy, kỹ sư Lê Văn Tạch hiện đang công tác tại Toyota Việt Nam và anh Lê Thanh Tùng, chuyên gia kỹ thuật xe máy tại trung tâm bảo hành Honda - VAC.
 
img
Ông Võ Quốc Trường, Tổng biên tập báo điện tử VnMedia phát biểu mở đầu buổi tọa đàm.
 
Trong buổi tọa đàm, cả 3 vị khách mời đã lần lượt trình bày những ý kiến của mình về nguyên nhân gây cháy nổ ôtô, xe máy trong thời gian gần đây. Theo tiến sĩ Khương, nguyên nhân xuất phát chủ yếu là do rò rỉ xăng hoặc hơi xăng, kết hợp với nguồn nhiệt và không khí, tạo ra tia lửa gây cháy nổ. Để làm rõ nguyên nhân cụ thể hơn nữa, cần có sự tham gia thêm của các cơ quan chức năng. Ông cũng cho rằng, chưa có nguồn cơ sở chính thức nào có thể khẳng định xe tay ga ít an toàn và dễ cháy nổ hơn xe số như một số luồng dư luận gần đây.
 
img
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khương trao đổi trong buổi tọa đàm.
 
Đóng góp ý kiến của mình, chuyên gia kỹ thuật xe máy Lê Thanh Tùng đã chia các nguyên nhân ra làm 3 loại, bao gồm các tác động bên ngoài, con người và xăng. Ở nguyên nhân thứ ba, cả ba vị khách mời đều đồng ý cần phải có thêm cơ quan giám định các thành phần, chất lượng của xăng đang phân phối trên thị trường mới có thể đưa đến kết luận chính xác.
 
Kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch cũng giải thích thêm về sự xuất phát của nguồn nhiệt gây cháy nổ. Theo kỹ sư, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là chi tiết cách nhiệt ở bộ phận cổ xả chưa tốt, dẫn tới sinh nhiệt cao khi động cơ hoạt động. Thứ hai là hệ thống điện trên ôtô bị chập. Cuối cùng, theo anh Tạch, các điểm tiếp mát không được siết bu-lông đủ chặt, từ đó sinh ra các tia lửa điện.
 
img
Chuyên gia kỹ thuật xe máy Lê Thanh Tùng.

Trong thời gian trao đổi, các khách mời đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc từ phía các khán giả theo dõi trực tuyến. Hầu hết dư luận đều quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân gây cháy nổ và phương pháp phòng, chống cũng như xử lý phương tiện bất ngờ bốc lửa khi đang lưu thông trên đường. Phản hồi thắc mắc của độc giả, kỹ sư Tạch đồng tình với giả thuyết có khả năng linh kiện kém chất lượng được lắp ráp trên xe máy, ôtô đóng góp một phần vào nguyên nhân khiến “bà Hỏa” lộng hành. Anh cũng cho biết thêm, đợt thu hồi hơn 200 chiếc xe Camry của hãng Toyota gần đây cũng xuất phát từ việc công ty thay thế bu-lông loại tốt sang nhãn hiệu chất lượng thấp hơn nhằm giảm chi phí, dẫn đến khả năng chịu lực giảm, gây ra hiện tượng sập gầm xe.
 
img
Kỹ sư Tạch chia sẻ quan điểm của mình về mặt kỹ thuật.

 
Tư vấn cho các độc giả trong trường hợp xảy ra hiện tượng bốc lửa trên phương tiện, tiến sĩ Khương đã phổ biến một số cách phản ứng ngay tức thời. Đầu tiên là ngăn cản luồng không khí tiếp xúc ngọn lửa bằng chăn, vải dầy, áo khoác… Trong trường hợp lửa cháy lớn, nên tránh xa phương tiện để bảo toàn tính mạng. Khi đang lưu thông trên đường mà gặp ngọn lửa, các chủ phương tiện phải thật bình tĩnh, tắt máy và xem xét. Tuyệt đối không bỏ phương tiện tại chỗ vì sẽ rất dễ khiến xăng chảy ra ngoài gây nổ, phá hủy hoàn toàn tài sản. Ông Khương cũng khuyến cáo người dân nên trang bị các bình chữa cháy dạng nhỏ trên xe máy và bình chữa cháy lớn, từ 2- 4 kg trên ôtô để đảm bảo an toàn. Trên quan điểm chuyên môn của mình, ông Khương cũng cho biết, vụ cháy xe Dream ở xã Nam Sơn, tỉnh Bắc Ninh là hiện tượng nổ trước rồi dẫn đến cháy. Đây là trường hợp nổ hơi xăng trong bình chứa, xăng bị bắn vào hai mẹ con dẫn đến hậu quả thương tâm.
 
img
Tiến sĩ Khương phổ biến các cách xử lý kịp thời khi phương tiện đột ngột bốc cháy.


Chia sẻ trong buổi tọa đàm, kỹ sư Tùng cho biết, qua kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp với phương tiện cháy nổ, anh nhận thấy có trường hợp là do các loài động vật nhỏ như chuột trú ẩn trong những bộ phận kín đáo trên xe, tha luôn cả các vật liệu dễ bắt lửa như giẻ khô, giấy… Khi chủ phương tiện khởi hành mà không để ý kiểm tra sẽ khiến các vật liệu này bén tia lửa, nguồn nhiệt, dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Buổi tọa đàm đã tổng kết lại một số khuyến cáo rất hữu dụng cho người dân, như cẩn trọng hơn trước khi vận hành và sử dụng phương tiện, kiểm tra kỹ các dị vật mắc trên xe, không để bình xăng quá cạn, nắp bình xăng hở... Ông Khương cũng nhấn mạnh, 90% số trường hợp cháy nổ có thể được phòng ngừa hoặc ngăn cản kịp thời nếu người dân biết tự nâng cao ý thức và cẩn trọng hơn. Mọi người nên tự trang bị các kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, cách xử lý khi gặp sự cố bằng cách tham gia những khóa huấn luyện ngắn hạn ngay tại trường Phòng cháy Chữa cháy.

Được biết, trong năm 2011 đã xảy ra tới hơn 40 vụ cháy ôtô, xe máy. Tuy nhiên, trong tổng số 300.000 - 400.000 xe ôtô hiện đang lưu hành tại Việt Nam hiện nay, rất ít xe được trang bị các phương tiện chữa cháy như bình dạng bột hoặc khí CO2. Con số này trên các phương tiện xe máy thậm chí còn thấp hơn nữa.
 
img