Từ ngày 1/10/2015, Toyota Việt Nam công bố tăng giá hàng loạt các mẫu xe của mình. Và lý do được đưa ra là do điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cho phép nới biên độ tỷ giá lên tới 3%). Lý do này khiến nhiều người tiêu dùng không hài lòng, bởi cùng chung bối cảnh, nhưng rất nhiều doanh nghiệp khác cả lắp ráp và nhập khẩu như Thaco Trường Hải, Ford Việt Nam lại vẫn tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu xe.

Đơn cử như Thaco, đơn vị luôn đưa ra các chương trình khuyến mại giá bán xe hấp dẫn cho các dòng xe Kia, Mazda và Peugeot với mức cao nhất trong tháng 9 vừa qua tương ứng của mỗi thương hiệu là 65, 80 và 118 triệu đồng, tùy từng mẫu xe và khu vực. Tháng 10, Thaco hứa hẹn vẫn tung ra các gói giảm giá kích cầu theo từng model.

Ford Việt Nam cũng đang có chương trình giảm giá sâu cho mẫu Ecosport, ưu đãi tới 70 triệu đồng so với giá niêm yết cho khách hàng mua xe. Đơn vị này, cũng như hầu hết các nhà sản xuất xe khác, chưa có hãng nào đưa công bố tăng giá bán xe vì lý do tỷ giá.

Vậy, vì sao Toyota Việt Nam lại có thể đưa ra quyết định tăng giá bán xe trong bối cảnh này? Và kỳ lạ hơn, đây không phải lần đầu tiên Toyota tăng giá bán xe từ đầu năm, nhưng xe Toyota vẫn đứng đầu doanh số toàn ngành ô tô.

Giá bán xe cao, liên tục tăng giá, xe Toyota lại có những trang bị được coi là không tương xứng với mức giá bán.

Một chiếc xe Toyota Camry được bán tại Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với một chiếc Camry được bán tại Mỹ. Về cơ bản mà nói thì ngoài động cơ có thể lựa chọn cùng thông số thì những tuỳ chọn theo xe của hai mẫu xe tại hai thị trường Việt Nam - Mỹ đã hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như bản Toyota Camry 2.5Q lắp ráp tại Việt Nam chỉ có 7 túi khí còn Camry LE tại Mỹ có tới 10 túi khí; các công nghệ cũng khác biệt khi Toyota Camry 2.5Q không hề có công nghệ dừng thông minhg (SST), kiểm soát áp suất lốp (TPMS), kiểm soát phanh điện tử (ECD); .... Ngoài ra còn chưa nói đến việc giá bán bản Toyota Camry 2.5Q tại Việt Nam hiện là 1,414 tỉ đồng - cao gần gấp 3 lần so với Toyota Camry LE tại Mỹ với giá chỉ khoảng 500 triệu đồng.

Vậy có những nguyên nhân nào khiến cho xe Toyota tại Việt Nam lại đắt hàng khi các yếu tố về giá và công nghệ trên xe đều không phải là thế mạnh?

1. Toyota là một trong những hãng xe ôtô đầu tiên đầu tư vào Việt Nam


Lịch sử phát triển của Toyota tại Việt Nam đã có bề dày 20 năm.

Lịch sử phát triển của Toyota tại Việt Nam đã có bề dày 20 năm.

Quay ngược thời gian có thể thấy vào năm 1995, Toyota và Mercedes-Benz là hai thương hiệu ôtô đầu tiên đầu tư kinh phí hàng triệu đô-la vào Việt Nam để xây dựng nhà máy lắp ráp cũng như tiến hành thâm nhập vào thị trường ôtô còn rất non trẻ của nước ta thời bấy giờ. Tuy nhiên, Mercedes-Benz ở phân khúc xe cao cấp hơn nên việc tiếp cận thị trường trong thời gian đầu gặp nhiều khó khăn hơn so với Toyota. Và chỉ trong khoảng 10 năm, Toyota Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước với chất lượng, giá thành và độ tiện dụng.

Thâm nhập sớm vào thị trường, hiểu rõ thói quen tiêu dùng của người Việt và tạo nên một thương hiệu Toyota ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt chính là một thành công to lớn của Toyota Việt Nam. Với mạng lưới phân phối được xây dựng bài bản, rộng khắp các địa phương và sự am hiểu người dùng, Toyota đã nắm chắc con bài chiến lược trong kinh doanh.

2. Nguồn cung cấp phụ tùng dồi dào

Kể từ khi Toyota Việt Nam đi vào hoạt động cho đến nay, các nhà cung cấp trang thiết bị cho ôtô - đặc biệt là cho Toyota - tăng đáng kể dẫn đến chi phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng cho các dòng xe của Toyota khá đơn giản và khách hàng không phải chờ đợi để đặt hàng. Đặc biệt, do thời gian xuất hiện tại Việt Nam khá lâu và đã trở thành phổ thông nên việc tìm thợ có thể sửa được xe Toyota khá dễ dàng với chi phí phù hợp. Chính điều này khiến cho nhiều khách hàng Việt Nam cho rằng chi phí để "nuôi" một chiếc xe Toyota là hợp lý.


Phụ tùng xe Toyota khá phổ thông nên có giá thành rẻ hơn so với các hãng khác.

Phụ tùng xe Toyota khá phổ thông nên có giá thành rẻ hơn so với các hãng khác.

3. Trang thiết bị đơn giản, ít chi tiết điện tử, không bị hỏng vặt

Nếu nhìn lại những dòng xe Toyota được lắp ráp tại Việt Nam, có thể nhận thấy những công nghệ tuỳ chọn theo xe khá nghèo nàn. Đơn cử như Toyota Innova cho đến thời điểm này vẫn chỉ được trang bị phanh đĩa bánh trước, phanh tang trống bánh sau và hoàn toàn không có những công nghệ bảo đảm an toàn như cân bằng điện tử (ESC), hệ thống chống trơn trượt (TSC),.... Công nghệ an toàn duy nhất mà Innova được trang bị là hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Điều này cũng xảy ra tương tự với những mẫu xe khác của Toyota như Vios hay kể cả là Camry với những trang bị nghèo nàn so với tầm tiền hay so với những đối thủ khác.

Với lợi thế động cơ Nhật bền bỉ, hệ thống khung gầm của xe vẫn ổn định và chắc chắn, phần cơ khí nhiều hơn phần công nghệ và điện tử, xe Toyota đương nhiên bền bỉ và ít hỏng vặt hơn các xe trang bị nhiều loại công nghệ điện tử.


Hyundai Sonata và Mazda 6 là hai đối thủ lớn của Toyota Camry trong cùng phân khúc nhưng lại có nhiều công nghệ, cảm giác lái và giá bán tốt hơn hẳn Toyota Camry.

Hyundai Sonata và Mazda 6 là hai đối thủ lớn của Toyota Camry trong cùng phân khúc nhưng lại có nhiều công nghệ, cảm giác lái và giá bán tốt hơn hẳn Toyota Camry.

4. Tâm lý người Việt Nam

Tại Việt Nam, một chiếc xe ôtô có giá trị như một gia tài đối với nhiều người. Chính vì lẽ đó, khi chọn mua một chiếc xe ôtô, nhiều người thường lựa chọn một chiếc xe dựa trên tiêu chí "sau này bán ít lỗ/không lỗ". Chính vì lẽ đó, những chiếc Toyota vốn được ưa chuộng từ những năm của thâp niên 90 lập tức trở thành những món hàng trong tầm lựa chọn của khách hàng Việt bởi đáp ứng được yêu cầu chi phí vận hành rẻ, chất lượng bền và đặc biệt là bán không mất giá nhiều.

5. Toyota đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất của người dùng

Công bằng mà nói, xe Toyota là thương hiệu xe phổ thông đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cơ bản của người đi xe ở Việt Nam. Đối với người mua xe với mục đích sử dụng lâu dài, chiếc xe Toyota đáp ứng được tiêu chí dễ lái, bền bỉ ít hỏng vặt, tiết kiệm xăng nên chi phí "nuôi" xe thấp. Chừng đó là vừa đủ đối với nhu cầu người dùng xe thông thường.

Đối với người mua xe chạy "lướt" vài năm rồi đổi xe mới, Toyota lại là sự lựa chọn hoàn hảo bởi nó cũng dễ sử dụng, ít khấu hao, đặc biệt giữ giá khi bán lại nên người dùng không bị lỗ. Đó chính là lý do sau khi cân nhắc nhiều dòng xe thú vị hơn trên thị trường, người Việt vẫn quay lại mua xe Toyota.

Khi nào người tiêu dùng có thể mua Toyota đúng với giá trị của xe?

Chính vì lẽ đó, khi Toyota Việt Nam thông báo tăng giá xe kể từ 1/10 đã khiến nhiều người tiêu dùng nổi giận vì sự vô lý khi mà họ phải bỏ một số tiền lớn hơn giá trị sử dụng thực tế mà họ được Toyota cung cấp. Trong khi đó, với cùng số tiền đó, họ có nhiều lựa chọn hơn cho các mẫu xe khác ở cùng phân khúc. Câu hỏi đặt ra: "Liệu đến khi nào xe Toyota mới có giá bán đúng với giá trị thực của xe?" sẽ phải do người tiêu dùng tự trả lời thông qua việc lựa chọn sáng suốt khi mua xe và vượt qua được tâm lý đám đông.