Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước Đề xuất mới nhất của bộ Công Thương về “dòng xe chiến lược”. Theo đó, bộ Công Thương đề xuất dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch là xe đa dụng từ 6-9 chỗ ngồi, có dung tích máy nhỏ hơn 1,5 lít. Dòng xe chiến lược này sẽ được hưởng hàng loạt ưu đãi về thuế và lệ phí trước bạ. Cụ thể Bộ Công Thương đề nghị thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe này phải ở mức thấp (chỉ là 30%, so với các xe khác từ 45-60%) và việc đánh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được giảm theo tỷ lệ nội địa hóa; người tiêu dùng khi mua và đăng ký xe sẽ chỉ phải chịu thuế VAT 5% (xe khác là 10%) và nộp mức lệ phí trước bạ 2% (so với mức 10-12% của xe khác từ đầu năm 2010).

Như vậy, Bộ Công Thương đã lựa chọn phương án cuối cùng về xe chiến lược không theo đề nghị của bất kỳ thành viên VAMA nào, mà trung dung giữa đề xuất của Toyota là xe đa dụng 6-9 chỗ dưới 2.0 lít (như Innova) và đề xuất của Trường Hải là xe nhỏ dưới 1.5 lít, tiêu hao ít nhiên liệu.

Trước thông tin này, VAMA đã đưa ra thông cáo mới đây nhất khẳng định “VAMA chưa đưa ra bất kỳ ý kiến chính thức nào về vấn đề dòng xe chiến lược. Một số công ty thành viên có ý kiến riêng của mình nhưng không đại diện cho ý kiến của VAMA”.

VAMA cho biết, họ nhận thức được cơ hội phát triển số dòng xe chủ lực, cũng như có cơ hội xuất khẩu những dòng xe này khi Việt Nam gia nhập hoàn tòan vào AFTA trong tương lai không xa.

Họ đang đẩy nhanh việc lấy ý kiến của các thành viên về vấn đề này và sẽ đệ trình ý kiến chính thức lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

VAMA bày tỏ nguyện vọng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về dòng xe chiến lược trên cơ sở tham khảo ý kiến của các Bộ và cả các thành viên VAMA.