Mặc dù xe đạp điện được xếp vào loại xe thô sơ, nhưng để đảm bảo tính mạng của người tham gia giao thông nên người sử dụng phương tiện có tốc độ cao này vẫn phải đội mũ bảo hiểm.
 
Về vận tải đường bộ, Luật Giao thông đường bộ cũng bổ sung quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ, quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đặc biệt quy định  “phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ”.
 
Đây là một trong những quy định mang tính đột phá trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.
 
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng độ thị phải bảo đảm từ 16 - 26% để đáp ứng  yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị...
 
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng có quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) của người điều khiển phương tiện tham giao giao thông, cụ thể nghiêm cấm người “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, còn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở không được “vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở”.
 
So với Luật năm 2001, Luật Giao thông đường bộ cũng đã bổ sung một số quy định về quy tắc giao thông đường bộ cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, bảo đảm an toàn giao thông như quy định các đối tượng không được đi vào đường cao tốc (gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h); quy định cụ thể về độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên xe mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp dưới 7 tuổi (Luật năm 2001 không quy định độ tuổi cụ thể).

 
Theo Dân Trí