Điều đáng nói là, TMV được xem là doanh nghiệp có doanh số bán xe du lịch tốt nhất tại thị trường Việt Nam. Năm 2012, TMV đã đạt doanh số bán hàng gần 23.000 xe ô tô du lịch các loại. Loại trừ khoảng 1.000 xe ô tô được nhập khẩu nguyên chiếc thì phần sản xuất ô tô ở Việt Nam của TMV đạt bình quân 145 xe/ngày.

Toyota: Doanh số 1 tháng ở Thái Lan bằng doanh số cả năm ở Việt Nam 1
Toyota Việt Nam mới nội địa hoá được hơn 250 chi tiết của nhiều mẫu xe đang sản xuất

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra khu vực ASEAN và so sánh với các thị trường khu vực, thì doanh số bán hàng của TMV tại Việt Nam còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chẳng hạn, tại Thái Lan, Toyota hàng tháng bán ra thị trường khoảng 35.000 - 40.000 xe, tức là cao hơn hơn số lượng bán xe cả năm của Toyota tại Việt Nam. Tại Indonesia, số lượng xe bán ra của Toyota cũng ở mức 35.000 - 37.000 xe/tháng.

Nhìn trên tổng thể, năm 2012, Thái Lan tiêu thụ 1,436 triệu xe ô tô mới, tăng tới 80% so với năm 2011, một mức tăng kỷ lục. Trong đó, riêng xe du lịch dưới 5 chỗ ngồi bán được 672.460 chiếc, tăng tới 86,6% so với năm 2011. Còn tại Indonesia, năm 2012, lượng ô tô mới tiêu thụ được tại thị trường này cũng ở mức 1,161 triệu xe, tăng 24,8% so với năm 2011. Con số bán hàng ở thị trường Malaysia là trên 600.000 xe trong năm 2012.

Trong khi đó, năm 2012, toàn thị trường ô tô Việt Nam chỉ tiêu thụ được khoảng 93.000 xe ô tô các loại. Nếu xét về mặt dân số, thì Thái Lan có chưa đến 70 triệu người, còn Indonesia là hơn 240 triệu dân, trong khi Việt Nam vừa chạm ngưỡng 90 triệu dân. Thực tế này cũng cho thấy, cơ hội để tiêu thụ ô tô tại Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp ô tô thì lại không hề dễ dàng.

Đơn cử, với trường hợp TMV. Dù TMV khá nỗ lực thực hiện chính sách nội địa hóa, nhưng đến năm 2003, cũng chỉ mới đầu tư xưởng dập chi tiết thân vỏ xe và trở thành nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam có quy trình sản xuất xe hơi hoàn chỉnh gồm 5 công đoạn: dập, hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng. Tính đến năm 2009, nhà sản xuất xe này mới nội địa hoá được 253 chi tiết cho nhiều mẫu xe ô tô đang sản xuất, với sự cộng tác của 17 nhà cung cấp.

Con số này cũng thực sự là quá ít so với các nước xung quanh. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp (Bộ Công thương), tại Thái Lan, riêng 16 nhà sản xuất ô tô đã kéo theo sự phát triển và tạo công ăn, việc làm cho hơn 2.000 doanh nghiệp hỗ trợ ở nhiều ngành nghề và công đoạn chế tạo khác nhau.

Quay trở lại với Việt Nam, hiện công suất thiết kế của các doanh nghiệp sản xuất ô tô cả nước vào khoảng 458.000 xe/năm, trong khi sản lượng thực tế mới đạt quanh 100.000 xe/năm, tức là mới chỉ hơn 21% công suất thiết kế.

Bởi vậy, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp cũng đưa ra cảnh báo, nếu chính sách phát triển ô tô không được đưa ra ngay trong năm 2013, để thực hiện từ năm 2014 trở đi, thì cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là theo lộ trình thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), từ nay đến năm 2018, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN sẽ giảm dần xuống mức 0%.

Theo Thanh Hương
Báo đầu tư