Sau vụ xe máy nhái được dán nhãn Honda và bán với giá 16 triệu đồng, luật sư Bạch Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, đơn vị đại diện về mặt pháp lý cho Tập đoàn Honda Nhật Bản tại Việt Nam, nhận định, hiện tại 63 tỉnh, thành ở Việt Nam đều có xe Honda dỏm.

Ông Bình khẳng định, hành vi vi phạm cũng rất đa dạng, từ nhãn mác, kiểu dáng tới phụ tùng thay thế và tên cửa hàng (tự ý treo biển cửa hàng được Honda ủy nhiệm). Theo ông Bình, mấy năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ở Nam Định có 1998 xe Honda dỏm (chủ yếu là dòng xe Wave Alpha) được bán tới người dân. Trong tuần trước, tại Nghệ An cũng phát hiện và tạm giữ hơn 40 xe vi phạm nhãn mác, kiểu dáng Honda tại 5 cửa hàng…

“Ở Hà Nội, chúng tôi mới chỉ phát hiện những vi phạm thuộc về biển hiệu cửa hàng. Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện vi phạm nhãn mác của Honda”, ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP HCM, ở các phố chuyên bán xe máy như Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương (quận 5), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), các chủ cửa hàng thậm chí còn công khai giới thiệu nhiều dòng xe máy Honda nhái với giá chỉ bằng một nửa xe chính hãng. Kiểu dáng khá phong phú, từ “na ná” Wave S, Wave RS, Dream đến “tương tự” Future Neo, Air Blade… Các loại xe này đều có sổ bảo hành một năm và được bảo dưỡng, bảo trì miễn phí 2 - 4 năm tại nơi bán (tùy quy định của từng cửa hàng). Trên lốc máy của các loại xe này đều không dập chữ Honda như xe chính hãng.

Cuối tháng 4 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã phối hợp với lực lượng công an (PC 15) tiến hành kiểm tra đột xuất 5 cửa hàng kinh doanh xe máy tại quân Phú Nhuận và quận 12. Qua đó, phát hiện tổng cộng 85 xe máy nguyên chiếc được sản xuất tại Việt Nam với đầy đủ hóa đơn chứng từ có dấu hiệu vi phạm kiểu dáng sở hữu công nghiệp của hãng Honda (đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam).

Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội xe đạp - xe máy Việt Nam, cho biết, hiện có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sản xuất và bán xe máy. Theo ông Tuấn, vi phạm phổ biến nhất của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua là về kiểu dáng. Hai nhãn hiệu bị làm nhái nhiều nhất là Honda và Yamaha. “Chúng tôi nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm lối đi riêng để khẳng định thương hiệu của mình, nhưng việc họ thực hiện tới đâu lại là chuyện khác”, ông Tuấn nói.
 
Theo Đất Việt