Thoạt nghe chuyện giá tăng đi mua xe hơi nhiều là nghịch lý, song với nhiều người tiêu dùng thì câu chuyện này lại có lý. “Để mua chiếc xe Jolie vào năm 2003 tôi phải bán ra gần 40 cây vàng.

Còn bây giờ với số vàng này tôi có thể mua chiếc xe có đẳng cấp cao hơn nhiều…” ông Bình, trên đường Nguyễn Văn Đậu, giải thích. Ông vừa bán chiếc xe cũ để lấy “con” xe Sienna với giá 70.000 USD.

Nhộn nhịp mua xe

Hiện nhiều người đi mua xe đang dựa trên giá vàng để ra quyết định cuối cùng trong việc chọn xe. Chính việc giá vàng tăng quá liều nên thị trường xe hơi nhộn nhịp hơn hẳn.

Theo nhiều chủ cửa hàng xe hơi, mãi lực đang tăng mạnh hơn cả lúc thuế chưa tăng. Theo cách giải thích của cửa hàng, cho dù thuế có tăng thì giá xe vào lúc này, dựa theo cách tính lâu nay của người Việt Nam dựa trên giá vàng, thì giá vẫn rẻ hơn nhiều so với trước đây.

Vì giá trị USD vẫn thấp hơn nhiều so với giá vàng, trong khi giá xe hơi lại phụ thuộc nhiều vào giá USD, do vậy tâm lý người tiêu dùng vẫn thấy lợi nhiều hơn.

Nhà nhập khẩu tính “chiêu”

Trong khi tâm lý người tiêu dùng muốn mua xe hơi vào thời điểm này, giới nhập xe lại đang đau đầu trong việc phân bổ thuế vào sản phẩm. Việc tăng thuế liên tục hai lần trong một tháng khiến không ít chủ cửa hàng, những doanh nghiệp nhập xe đau đầu. Không ít cửa hàng do lỡ nhận tiền cọc của khách, giờ đang phải ngồi phân bổ thiệt hại từ thuế vào những sản phẩm khác.

“Những sản phẩm nhập về trễ hơn thời điểm thuế tăng khiến tụi tôi đâu thể sửa giá với khách, đành phải bấm bụng tăng giá những sản phẩm chưa bán được để bù khoản thiệt hại này. Mà việc tính bù này phải hợp lý để những sản phẩm sau không quá cao, lại có thể đón đầu việc tăng thêm thuế sắp tới” - một doanh nghiệp nhập xe trên đường Trần Hưng Đạo, cho biết.

Không ít doanh nghiệp chọn hình thức vận chuyển theo đường biển đang gặp khủng hoảng. Do thời gian chuyển hàng trung bình hai tháng, còn thuế thì tháng chạy hai lần nên “chạy mất mấy đôi dép mà vẫn đua không kịp…”

Để đối phó với thuế tăng, nhiều cửa hàng bắt đầu ra “chiêu”, nếu khách hàng chịu vận chuyển theo đường hàng không, thì mới nhận “đặt hàng”, không thì phải chấp nhận sự thay đổi giá theo mức thuế từng thời điểm mới ký hợp đồng.

Xe “nội” muốn thêm… tiền

Trong khi các chủ cửa hàng bán xe nhập phải tính toán để có giá bán hợp lý trước tình trạng thuế tăng liên tục, thì những đại lý các hãng xe nội, lại bắt đầu tung chiêu “cò”.

Hầu hết những thương hiệu xe sản xuất trong nước bắt đầu hiếm hàng ngay sau khi có thông tin thuế tăng giá. Khách tìm đến các đại lý khó có thể lấy xe ngay do không có hàng.

Tình trạng khan hiếm hàng đã trở thành cơ hội kiếm tiền cho các nhân viên tiếp thị bán hàng. Những mẫu xe của GM Daewoo, Toyota, Ford… đều dang cháy hàng, khách hàng muốn có xe phải chờ vài tháng mới có sản phẩm. Nếu muốn nhận hàng ngay, thì phải đưa số tiền chênh lệch hàng ngàn USD mới đảm bảo có xe.

Số lượng sản phẩm trên thị trường như được nhà sản xuất ghìm lại, tạo thành những cơn sốt cục bộ. Có một điểm chung trong cách giải thích của những nhân viên bán hàng các hãng là do thuế không ổn định nên sản xuất cũng phải chờ sự ổn định trong chính sách thuế mới tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nếu không thì hãng bị… lỗ.

Việc tạo yếu tố khan hiếm hàng để ép người tiêu dùng không phải lần đầu. Có lẽ đây là một “chiêu thức ưa dùng”!?

TheoSGTT