Kể từ khi có hiệu lực ngày 1/1/2013, xe ôtô đã xếp hàng đóng “thuế” đường trong khi xe máy cũng nằm trong đối tượng phải đóng phí thì vẫn “án binh bất động”.

Theo quy định, phí sử dụng đường bộ của xe máy sẽ do địa phương phụ trách và giao cho đơn vị phường, xã, tổ dân phố quản lý và thu. Tuy nhiên, đến nay, đại diện các Sở Giao thông Vận tải đánh giá, việc thu phí đối với phương tiện xe máy chưa thể triển khai do phải chờ Hội đồng Nhân dân thông qua.

Ngoài ra, đơn vị trực tiếp quản lý, thu ở cấp phường, xã cũng băn khoăn và “than” khó bởi chưa được phổ biến, tập huấn như thế nào, tiến hành thu ra sao? 

Mới “rục rịch”, chuẩn bị thu!

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), cả nước có khoảng 37 triệu xe gắn máy. Nếu tổ chức thu phí sử dụng đường bộ, mức “thuế” đường thu được hàng năm sẽ vào khoảng 2.400 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho việc thu phí đối với xe máy, Bộ Tài Chính đã có Thông tư 197 đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện. Song, đến nay, việc triển khai thu phí lại được thực hiện không đồng đều ở các tỉnh, thành. Một số tỉnh thì rục rịch tiến hành nhưng số khác vẫn “im ắng”.

Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Kim Cự vừa ký ban hành Quyết định về việc quy định mức thu và tỷ lệ phần trăm (%) trích để lại đơn vị thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện mô tô (không bao gồm xe máy điện) trên địa bàn Hà Tĩnh. 

Theo đó, mức thu đối với loại mô tô có dung tích xi-lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/năm, còn loại có dung tích xi-lanh trên 100cm3 là 100.000 đồng/năm.  

Tại Hà Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy có dung tích xi-lanh đến 100cm3 là 75.000 đồng/năm, còn loại có dung tích xi-lanh trên 100cm3 là 125.000 đồng/năm.  

Ông Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nam Định cho biết, Sở vừa hoàn thiện phương án tổ chức thu phí và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, thông qua.

“Bởi vậy, tại thời điểm này chưa thể thực hiện thu phí được vì mức thu và tổ chức thu phải chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt,” ông Khính cho biết.

Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Ngọc Hòa, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, tỉnh cũng mới đang rậm rịch thành lập Hội đồng quỹ, sau đó mới tiến hành tiếp các thủ tục khác được. 

Theo ông Hòa, mức thu cụ thể ra sao đối với xe máy phải chờ kỳ họp thứ nhất năm 2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.

“Song, trước mắt, khi Hội đồng Nhân dân tỉnh chưa thông qua mức cụ thể thì mức thu đối với xe máy sẽ là 50.000 đồng/năm, mức thấp nhất theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính. Nhanh nhất cũng phải hết tháng 1 hoặc sang tháng 2, tỉnh mới có thể triển khai được,” ông Hòa tiết lộ.

Theo ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình, tỉnh chưa có chỉ đạo, triển khai gì về việc này. 

“Chỉ đạo của Bộ Tài chính quá gấp gáp, lại vào dịp cuối năm nên không đưa ra bàn bạc tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh đợt vừa qua được. Trong khi, muốn thu thì cũng phải chờ mức cụ thể được Hội đồng Nhân dân thông qua. Do đó, chắc phải qua kỳ họp Hội đồng Nhân dân đợt tới mới triển khai được,” ông Đức nói.

Địa phương đều lúng túng, than “khó”

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, dù đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh thông qua với mức thu tạm thời là 50.000 đồng/xe máy/năm, nhưng ông Phùng Gia Thuận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhận định, việc triển khai thu phí đối với xe máy là không đơn giản. 

“Chúng tôi cũng mới bắt đầu bắt tay vào làm, chưa biết thực hư ra sao. Nhưng, sẽ là khó khăn vì việc thu phí được giao về cho các xã, phường. Người đi thu sẽ là tổ trưởng tổ dân phố hoặc thôn trong khi, chưa có chế tài gì,” ông Thuận bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Khoái, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Hà Nam, chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh, việc thu phí bảo trì đường bộ với các phương tiện ôtô, xe máy sau khi nộp vào quỹ Trung ương và trả các tổ chức thu thì quỹ địa phương chỉ còn lại khoảng 20-30 tỷ đồng/năm.

“Nếu so với thu phí cầu hoặc qua các trạm thu phí như trước đây thì số tiền nộp vào quỹ của phí sử dụng đường bộ cao gấp 2-3 lần,” ông Khoái cho biết.

Đề cập đến ‘”thuế” đường đối với xe máy, ông Khoái cho rằng, sau khi tỉnh thông qua, các Sở ban ngành và chính quyền địa phương đang tiến hành khảo sát số lượng xe máy từng nhà, vận động người dân để có nguồn thu phí.

“Phí xe máy nên thu theo hộ khẩu thì dễ hơn bởi mức thu là không lớn so với chi phí xe máy hoạt động. Hơn nữa, đơn vị phường, xã có kinh nghiệm thu lệ phí đất đai nên đã quen với cách thu,” ông Khoái khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh văn phòng Hội đồng quản lý quỹ tỉnh Hà Nam, các phương tiện tham gia giao thông thì phải trả phí để duy tu, sửa chữa đường. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị triển khai đều lúng túng trong việc hướng dẫn thu, tổ chức thu.
 
“Dự kiến, cuối tháng 1 này, thủ tục hướng dẫn thu nộp xe máy và khảo sát số lượng xe sẽ hoàn thành,” ông Dũng cho hay.

Đề cập đến việc người nghèo được miễn phí sử dụng đường bộ hoặc nộp phí nhưng mất giấy tờ, ông Dũng đặt câu hỏi, những đối tượng này nếu ra đường thì phải cầm loại giấy tờ gì khi điều khiển xe máy để không bị phạt, phải cầm Sổ hộ nghèo khi điều khiển xe máy hay không và trong trường hợp hộ nghèo có 2 người điều khiển xe máy sẽ giải quyết thế nào? Trình độ quản lý giấy tờ khi người dân làm mất thì có cấp lại không bởi biên lai thu là mệnh giá?

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội, chính quyền phường xã sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu phí và việc thu cũng không được bao nhiêu. 

“Tô trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn đến kê khai thu phí, chủ sử dụng phương tiện không đóng phí thì sẽ giải quyết như thế nào?” ông Liên đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng: “Thu phí phương tiện xe máy sẽ chỉ trông chờ vào sự tự giác của người dân vì trong Thông tư, Nghị định hiện nay vẫn chưa có chế tài để hướng dẫn hay xử phạt chủ xe không chấp hành đóng phí sử dụng đường.”

Phản biện lại việc xã phường thu phí sử dụng xe máy sẽ trích số tiền % để trả lại cho tổ chức thu, ông Liên bày tỏ quan điểm, nếu có thêm đơn vị, tổ chức thu trong phường, xã sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy công quyền Nhà nước đồng thời số tiền thu được nếu trích ra chi trả lại cũng rất tốn kém và thất thoát nguồn thu.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị, trong đó, Quỹ Bảo trì đường bộ nên nộp vào ngân sách. Nhà nước thống nhất quản lý và phân bổ theo Luật Ngân sách (như tiền phạt hành chính giao thông đường bộ). 

Giải thích phí sử dụng nên nộp vào Ngân sách Nhà nước để thống nhất quản lý tài chính, ông Liên cho biết: “Nhà nước quản lý ngân sách, tài chính, mọi nguồn thu đều do Nhà nước quản lý vì thế không nên cho các ngành thu riêng để tránh đặc quyền của các đơn vị đồng thời tránh quỹ phân tán.”

“Quản lý và sử dụng phí sử dụng phương tiện phải thật chặt chẽ để đồng tiền của dân được quay trở lại phục vụ dân. Nhà nước phải luôn có biện pháp đề phòng tham ô, lãng phí,” ông Liên khẳng định.

Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, từ năm tới, xe môtô sẽ phải nộp “phí đường” từ 50.000 đồng tới 150.000 đồng mỗi năm. Mức phí này với ôtô là từ 130.000-1.040.000 đồng/tháng.
(Theo TTXVN)