Tuần qua, trên nguyên tắc Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM được phép thực hiện thí điểm phương án thu phí ô tô lưu thông vào nội thành. Đây là một giải pháp nhằm giảm tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông cho đô thị rất cần được quan tâm. Tuy nhiên, doanh số ô tô sẽ là một thách thức lớn khi việc thu phí vào nội thành được triển khai.
 
Tăng chi phí cho người sử dụng

Theo thống kê, toàn TPHCM có khoảng 400.000 ô tô các loại, có lẽ là địa phương có nhiều ô tô nhất nước. Mật độ giao thông tại TPHCM cũng thuộc loại cao, trong đó ô tô chiếm lưu lượng không nhỏ. Theo tính toán, ô tô của thành phố chiếm đến 55% tổng diện tích giao thông động và 60% diện tích đậu xe. Giải quyết đường sá lưu thông và bãi đậu ô tô lâu nay là vấn đề nan giải. Hơn thế nữa, trào lưu mua sắm ô tô ngày càng tăng khi đời sống, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Cần thấy rằng, chi phí cho một chiếc ô tô đối với một gia đình được ví “còn hơn chi phí nuôi một đứa con” nhỏ. Tính sơ sơ tiền xăng nhớt, vệ sinh bảo trì sửa chữa, phí gửi xe hàng tháng, phí đậu xe hàng ngày, phí cầu đường... một chiếc ô tô sử dụng không thường xuyên mỗi tháng cũng mất khoảng vài triệu đồng. Nếu phải thuê tài xế, chi phí có khi đội lên gấp đôi.

Việc đề ra chủ trương thu phí ô tô lưu thông trong nội thành TPHCM nếu được triển khai, các chủ xe chắc chắn mỗi tháng sẽ phải tốn thêm một khoản chi tiêu không nhỏ. Tuy nhiên vấn đề còn phụ thuộc vào phương án thu phí: Thu một lần phí cho một lần lưu thông vào/trong nội thành, hay thu theo thời gian? Nhưng cho dù theo phương án nào thì cũng tác động làm hạn chế việc lưu thông ô tô. Khi nhu cầu lưu thông bị tiết giảm, đến một mức nào đó người tiêu dùng thấy không còn cần thiết phải mua ô tô sử dụng cho cá nhân và gia đình nữa.

Thêm áp lực thị trường

Công ty CP Công nghệ Tiên Phong được giao nghiên cứu phương án thu phí ô tô lưu thông vào/trong khu vực trung tâm thành phố, với thời gian thí điểm trước mắt trong 6 tháng. Giám đốc công ty Lâm Thiếu Quân cho rằng, công ty sẽ đầu tư 500-700 tỷ đồng thực hiện dự án này và hy vọng sẽ giúp hạn chế nạn kẹt xe.

Có giải quyết được nạn kẹt xe hay không khó nói trước, bởi tới lúc này còn chưa có phương án cụ thể, đặc biệt là mức phí và cách thực hiện ra sao. Song, như đã đề cập ở trên, một khi việc thu phí làm hạn chế sự lưu thông vào nội thành, cũng đồng nghĩa buộc người dân phải tiết giảm nhu cầu. Nhu cầu tiết giảm đến mức nào đó thì người ta phải cân đo xem với việc ít đi lại vì tiết giảm như vậy thì mua xe có phát huy được hiệu quả sử dụng hay không, và hệ quả có thể dẫn đến là sẽ ngừng nhu cầu mua xe để sử dụng, thay vào đó dùng phương án thuê ô tô khi đi xa hay cho công việc, đi taxi…

Như vậy, vấn đề đang được dõi theo quan sát chính là tiến độ triển khai thí điểm phương án thu phí ô tô lưu thông vào/trong nội thành. Chắc chắn khi ấy thành phố có thêm một nguồn thu đáng kể để chi cho xây dựng hạ tầng hoặc đầu tư vào các phương tiện giao thông công cộng, hệ thống giao thông mới… Nhưng sự tác động của việc thu phí không chỉ đơn tuyến: ảnh hưởng đến sức mua, thì cũng có nghĩa là tác động đến sức bán. Chính vì thế, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng đang theo dõi rất sát sao vấn đề này.

Trong cuộc gặp gỡ báo giới tại TPHCM ngày 21-1-2010, trước câu hỏi dự đoán thế nào về thị trường ô tô Việt Nam năm 2010, ông Michael J.Pease, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, cho biết: “Không thể dự báo được. Năm 2008 các hãng đã dự báo thị trường 2009 nhưng tất cả đều sai”.

Ngay những ngày đầu năm 2010 sau khi thuế VAT và lệ phí trước bạ ô tô tăng trở lại 10%, thị trường ô tô nhập khẩu đã ngay lập tức rơi vào trầm lắng, khiến các nhà sản xuất trong nước phải tung ra chiến dịch khuyến mãi hoặc kéo dài thời gian áp dụng bảng giá cũ. Nếu việc thu phí ô tô lưu thông trong nội thành TPHCM thực hiện được và áp dụng rộng thì bài toán thách thức đối với thị trường ô tô càng lớn, buộc các nhà sản xuất ô tô trong nước phải kiếm ra những lời giải khác.
 
Theo SGGP