Doanh số dưới 7 nghìn xe

Sau tháng 3/2012 với số xe bán ra tăng, đạt 7.700 chiếc, nhiều doanh nghiệp ô tô đã nhen nhóm hy vọng về thị trường bắt đầu khởi sắc nhưng điều đó đã không xảy ra... Bản báo cáo của VAMA cho biết, sản lượng bán hàng của 18 doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 6.982 xe, bao gồm 2.394 xe con và 4.588 xe tải.
Đáng chú ý, báo cáo lần này VAMA đã tách bạch giữa nhóm xe lắp ráp trong nước (CKD) và nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) được phân phối bởi chính các hãng thành viên. Trong đó, nhóm xe CKD bán ra trong tháng 4/2012 đạt 5.504 chiếc, giảm đến 24% so với tháng trước còn xe CBU đạt 1.478 chiếc, giảm 23%.

Dù vẫn là những cái tên dẫn đầu thị trường nhưng doanh số bán tháng 4 của Trường Hải và Toyota giảm đi trông thấy, chỉ tương ứng 1.834 và 1.636 chiếc. Các doanh nghiệp đứng tiếp theo có khoảng cách khá xa. Trong tháng 4, Vinaxuki chỉ bán được 515 chiếc đã có vị trí thứ 3, trong khi GM tiêu thụ được 505 chiếc, Vinamotor 259 chiếc, Suzuki 240 chiếc, Ford 217 chiếc... Đây là con số giảm thấp đáng kể từ đầu năm đến nay.

Tất cả các doanh nghiệp đều có doanh số bán ra giảm. Các doanh nghiệp từ Trường Hải, Toyota đến Mercedes Benz, Honda, GM, Ford, Mitsubishi, Isuzu, VMC... lượng xe bán ra chỉ bằng 50%- 70%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ bằng 30% so với cùng 2011.

Cắt giảm sản xuất

Đặc biệt, lần đầu tiên, không chỉ thông báo tình hình kinh doanh định kì, VAMA đã đưa ra những đánh giá tình hình sản xuất, thị trường ô tô, lý giải những nguyên nhân khiến ô tô tiêu thụ khó khăn.

Các thành viên VAMA nhận định rằng, thị trường ôtô Việt Nam đang ở tình trạng báo động. Mức tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp và đại lý đang ở mức rất cao, khiến các nhà sản xuất đang phải cắt giảm sản xuất, công nhân phải làm việc cầm chừng, có những doanh nghiệp lớn hiện công nhân chỉ làm việc 14 ngày/tháng, còn lại là nghỉ không lương.

Theo VAMA, thị trường ô tô có xu hướng đi xuống do những nguyên nhân như: lệ phí trước bạ ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cao, lãi suất cho vay ở mức quá cao và điều kiện cho vay chặt chẽ nên người tiêu dùng khó tiếp cận, phí hạn chế phương tiện cá nhân mới là “hoãn“ chứ không phải là hủy bỏ... đã khiến khách hàng đắn đo nhiều trong việc mua xe.

Khảo sát trên thị trường ô tô ở Hà Nội những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 cho thấy các giao dịch mua bán ở các đại lý, salon ôtô của liên doanh và nhà nhập khẩu hầu như không có. Tất cả các cửa hàng ô tô đều vắng bóng khách, một số cửa hàng tại Lê Văn Lương, Phạm Hùng đã đóng cửa.

Với sự sụt giảm đáng báo động ấy, theo kinh nghiệm của mình, VAMA cho rằng, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, nguồn thu từ thuế của nhà nước thiệt hại khoảng 6 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm nay.

Dựa theo số liệu bán hàng thực tế của tháng 4, VAMA đã đưa ra dự báo, tổng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trong cả năm 2012 sẽ giảm xuống chỉ còn 81 nghìn xe, nghĩa là thị trường sẽ quay trở lại mức sản lượng thời điểm năm 2007.
 
Theo GTVT