- Đế xuất về cấm ô tô cá nhân để chống ùn tắc mang tên 5x5 của ông đang được UBND Hà Nội giao Sở Giao thông nghiên cứu. Ông có thể cho biết, xuất phát từ ý tưởng nào để ông đưa ra đề xuất giải pháp này?.
 
- Ông Mai Trọng Tuấn: Khi đề xuất giải pháp 5x5, tôi mong sau này dân thành phố sẽ đi xe hơi và đường sá rộng rãi hơn, đời sống cải thiện hơn. Tôi cũng hy vọng đến một lúc nào đó ngay cả trung tâm thành phố cũng không nên có xe máy nhưng để đạt được việc đó phải có bước đi ban đầu.
 
Nếu bây giờ cứ để cả ô tô và xe máy cùng đi thì sẽ rối loạn và tắc đường. Nhưng tôi nghĩ  không nên cấm xe máy vì sẽ đánh thẳng vào đời sống của người lao động và sẽ bị dân phản ứng, do đó tôi nghĩ là nên chọn ô tô.
 
Những người có ô tô ở nước ta khác với các nước khác. Những người có ô tô ở ta chỉ vừa mới thoát khỏi xe máy được một chút. Trong số này, phần lớn đều có xe máy "xịn" vậy thì nên hy sinh nhường đường cho xe máy.
 
Giải pháp 5x5 chỉ là bước đi ban đầu, chúng ta chấp nhận lùi một bước để tiến nhiều bước.

Vậy ông dựa vào cơ sở thực tiễn nào để đưa ra giải pháp cấm ô tô cá nhân 5x5?.
 
- Thực tiễn tôi đi rất nhiều, dành thời gian trên đường rất nhiều. Thời gian ở ngoài đường, tôi để ý những lúc tắc đường thì xe máy rất cơ động. Với xe máy đang đi gặp đám ùn tắc, bạn có thể quay đầu đi hướng khác ngay nhưng nếu đi ô tô thì chỉ cần một chiếc quay đầu đã gây ùn tắc. Chưa nói tại ngã ba, tư 2-3 ô tô đấu đầu vào nhau.
 
Tôi thấy xe máy rất cơ động. Nói thế có người bảo là tôi đang cổ súy để trở lại đường cũ của mình, trở về thời kỳ lạc hậu nhưng thực tế không phải vậy. Nếu bây giờ đánh thuế như cách ở TPHCM đang chuẩn bị làm. Họ xây dựng một hệ thống thu phí 18.000 tỷ để xây dựng các trạm thu phí vào trung tâm thì đây là cách đánh thuế người giàu. Tuy nhiên, không phải ai có ô tô cũng là người giàu. Có nhiều khi chỉ có 50-70 triệu người ta cũng mua được cái xe tàng tàng để đi, phục vụ chuyện này chuyện kia.
 
Hiện nay, số người có xe ô tô cá nhân không nhiều, 2-3% dân số. Vì thế, để hiệu quả những xe biển xanh, biển đỏ cũng nên hy sinh giờ đó để giải quyết bài toán chung. Trong tình hình thực hiện Nghị quyết TW 4 như hiện nay thì các cơ quan cũng nên gương mẫu.
 
Cái quan trọng khi thực hiện đề xuất này là những người khi mà họ chỉ có mấy chục triệu mua chiếc xe người ta sẽ rất mừng vì không phải bỏ mấy chục triệu một năm để nộp phí, do đó người ta sẽ ủng hộ, xe máy ủng hộ. Việc này tất được lòng dân.
 
Đề xuất chỉ là một bước đi. Đây có thể là một bước lùi nhưng hai phép trừ nhân với nhau sẽ bằng một phép cộng. Tôi nghĩ vậy nên tôi đề xuất như trên.
 
Nhưng trên thực tế có rất nhiều người chê sáng kiến này?
 
- Tôi nghĩ là khen, chê đều có nhưng cũng mong có nhiều người chê. Những người có nhiều thời gian, có điều kiện mới có ý kiến mà người ta có ý kiến thì càng tốt.
 
Nhiều người có ý kiến thì càng tốt và càng hay. Bản thân tôi khi có ý kiến gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người. Tuy  nhiên, theo tôi biết là rất nhiều ý kiến ủng hộ tôi không chỉ có phản đối không thôi.
 
Một số chuyên gia khi trao đổi về đề xuất của ông cho rằng không thực tiễn và nếu có thực hiện cũng chưa chắc chống được ùn tắc giao thông. Quan điểm của ông về điều này?.
 
- Chuyên gia họ có cách nhìn của họ, còn tôi là người dân, tôi có ý tưởng thì tôi đóng góp!. Chuyên gia nói vậy nhưng cứ thử đi đã, chưa thử chưa thể nói trước điều gì. Ngay việc đổi giờ làm, ảnh hưởng đến mấy chục vạn học sinh đã cho kết quả đâu? Rồi Hà Nội cấm đỗ xe 262 tuyến phố hiệu quả thế  nào thì thực tế chứng minh.
 
Bây giờ phải thử mới biết chứ cứ ngồi nói không giảm được thì rõ ràng là không có căn cứ. Hiện nay rất nhiều ô tô trên đường, những lúc tắc đường toàn ô tô. Với đề xuất này đem thử vài ngày không mất gì nhưng nếu áp dụng biện pháp khác sẽ làm đảo lộn đời sống gia đình, hàng vạn học sinh….
 
Vậy ông có thể cho biết cần phải thử trong thời gian bao lâu sẽ cho hiệu quả?.
 
- Muốn biết giải pháp có hiệu quả hay không chỉ cần thử một tuần là biết ngay. Chỉ cần thực hiện một tuần từ thứ 2 đến thứ 5 sẽ cho kết quả có chống được ùn tắc hay không.  Bây giờ bạn cứ ra chỗ nào kẹt xe sẽ thấy xe máy rất cơ động.
 
Có một vấn đề là Hà Nội và TPHCM hiện nay đang thiếu bãi đỗ xe trầm trọng. Vậy khi áp dụng đề xuất của ông, việc này sẽ phải giải quyết thế nào?.
 
- Đây là câu hỏi thú vị, tuy nhiên với những người ở khu vực trung tâm thì lâu nay xe để ở đâu thì khi cấm xe sẽ vẫn để đó. Còn nếu ở ngoại tỉnh về thì có những khu vực, những con đường rất rộng để đỗ xe.
 
Điển hình như TPHCM có những con đường 4 cửa ngõ, có những con đường 2 cây số… vậy tại sao chúng ta không dùng những con đường như vậy để cho chủ xe đỗ tạm thời.
 
Theo tôi trong 5 giờ đó, chúng ta nên dành một nửa đường cho chủ xe đỗ. Với TPHCM theo tôi tính toán của tôi, có thể dành được 6.000 chỗ đỗ xe cho xe ngoại tỉnh đến, sau đó đi taxi vào trung tâm thành phố.
 
Trong quá trình thực hiện, nếu sát giờ cấm mà nhiều xe ô tô vẫn đang chạy trên đường thì sẽ phải xử lý thế nào?.
 
- Lâu nay TPHCM và Hà Nội đã có lệnh cấm sau 8 giờ sáng xe tải không được chạy, chiều đến 4h xe tải cũng không được chạy. Đây là những loại xe nhỏ, những xe này có cần cho đời sống không vì rau, gạo, nước, mắm, muối… đều chuyên chở? Thế nhưng người ta vẫn có thể chấp hành nên bây giờ anh chạy đến giờ đó thì đỗ lại và không lưu thông nữa.
 
Vậy còn việc kiểm soát sẽ như thế nào?
 
- Với kiểm soát nếu trong thời gian cấm lưu thông mà xe tải vẫn chạy thì sẽ thế nào? Việc này là việc của công an. Theo tôi cứ cấm như vậy còn tự khắc chủ phương tiện sẽ tự sắp xếp chứ còn làm sao có thể thỏa mãn tất cả. Phải nghĩ đến cái chung.
 
Ngạn ngữ Pháp có một câu: “Giữa cái xấu và cái tồi tệ anh chọn cách nào? Tất nhiên là chúng ta đành chọn cái xấu, vì xấu vẫn còn hơn tồi tệ. Tôi cũng không nói đề xuất của tôi là tốt là đúng.
 
Mới đây, thông tin về đề xuất của ông, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ có buổi làm việc với ông về đề xuất 5x5. Ông cảm thấy thế nào trước ý kiến trên của Sở Giao thông vận tải Hà Nội?
 
Tôi chưa nhận được thông báo nhưng nếu nhận được tôi sẽ ra Hà Nội ngay. Tôi sẽ trình bày còn có áp dụng hay không là quyền của lãnh đạo Hà Nội. Tuy  nhiên, tôi cũng thấy mừng vì một người dân thường đề xuất mà UBND Hà Nội và Sở Giao thông mời ra để nghe thì rất tốt và đáng trân trọng.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo VNmedia