Ùn tắc giao thông luôn là vấn đề "làm nóng" dư luận, đặc biệt là với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu.
CôngThương -  Các tuyến metro, đường sắt đô thị đã được quy hoạch đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư lâu; trong khi với điều kiện hạ tầng thuận lợi tại một số đại lộ, phát triển xe buýt nhanh (BRT) thực sự là một giải pháp phù hợp.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Phượng, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư, đưa vào khai thác nhưng không đáp ứng được tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân. Tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân ở TP năm 2011 là 13%, thế nhưng tốc độ gia tăng hạ tầng chỉ là 0,3%. Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm đã được tính đến nhưng đang gặp không ít trở ngại do hệ thống vận tải công cộng còn quá thiếu và yếu.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, TP đã quy hoạch gần chục tuyến metro và đường sắt đô thị, trong đó tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã khởi công xây dựng. Các tuyến khác đang triển khai những thủ tục cần thiết để có thể sớm khởi công. Tuy nhiên, việc xây dựng các tuyến metro, đường sắt đô thị đang gặp vướng mắc trong GPMB, đồng thời đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thi công dài. Tuyến Bến Thành - Suối Tiên được khởi công từ đầu năm 2008, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2014, tuy nhiên hiện đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vướng mặt bằng nên một số gói thầu vẫn chưa thể khởi công. Không thể phủ nhận năng lực vận chuyển cũng như hiệu suất của đường sắt đô thị và metro, nhưng rõ ràng, với tiến độ như vậy không thể sớm đưa vào khai thác trong ngày một ngày hai, trong khi áp lực giao thông ngày càng tăng.
 
img
Phương tiện giao thông công cộng đang là giải pháp tối ưu

Quyết định 280/QĐ-TTg "phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020" ngày 8-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phát triển hệ thống xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu của người dân. Đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tập trung quy hoạch lại mạng lưới xe buýt hiện có, kết hợp với việc đầu tư các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn và hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm trong thời gian tới. Trong khi phát triển đường sắt đô thị, tàu điện ngầm gặp khó khăn, xe buýt nhanh thực sự là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Vương Hoàng Thanh cho biết, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), TP đang nghiên cứu xây dựng dự án BRT đầu tiên kết hợp phát triển giao thông xanh, chạy dọc theo Đại lộ Võ Văn Kiệt dài khoảng 21km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 triệu USD. Giai đoạn đầu trên tuyến có khoảng 30 xe hoạt động, sau tăng lên 60-80 xe. Mỗi xe có thể chở 150-200 khách, tùy theo nhu cầu có thể hoạt động với tần suất cao nhất là 3-4 phút/chuyến.

So với Hà Nội (đã nghiên cứu phát triển BRT cách đây hơn chục năm) thì TP Hồ Chí Minh có thuận lợi rất lớn. BRT đòi hỏi "điều kiện cần" là phải có đường dành riêng để bảo đảm tốc độ và thời gian di chuyển, nếu chưa có thì việc đầu tư sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. So với Hà Nội có nhiều phố hẹp và ngắn thì TP Hồ Chí Minh có nhiều tuyến đại lộ dài, mặt cắt đủ rộng để bố trí làn đường riêng cho BRT. Ngoài Đại lộ Võ Văn Kiệt, có thể phát triển BRT trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh hay các tuyến đường vành đai… Đây là lợi thế rất lớn để phát triển BRT ngay trong thời gian tới. Ông Vương Hoàng Thanh cho biết, nếu được phê duyệt và đủ vốn, chỉ cần khoảng 18-24 tháng là có thể đưa BRT vào khai thác, kết nối đồng bộ với mạng xe buýt hiện có. Ông Sam Zimmerman, chuyên gia tư vấn của WB, đánh giá rất cao nghiên cứu BRT kết hợp với giao thông xanh, phát triển sinh thái bền vững của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế sẵn có, để phát triển sớm hệ thống BRT còn cần những "điều kiện đủ" như sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là khâu thủ tục hành chính…
 
Theo HNM