Trong bối cảnh sức mua sụt giảm mạnh, việc hàng loạt mẫu xe mới liên tiếp xuất hiện thời gian qua và sắp tới đây được hình dung như một người cầm ô đi vào tâm bão.

Đếm sơ sơ, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua đã có ít nhất 8 mẫu xe mới hoặc phiên bản mới được các nhà sản xuất, phân phối tung ra thị trường. Từ các mẫu xe hạng sang và thể thao như BMW 5 Series và 3 Series, Porsche 911 Carrera hay Range Rover Evoque đến xe nhỏ như Hyundai Eon, xe bán tải Isuzu D-Max hay xe đa dụng Toyota Innova và Fortuner.

Và theo kế hoạch, trong khoảng thời gian vài ba tháng tới đây sẽ còn rất nhiều mẫu xe mới nữa có mặt trên thị trường.

Đáng chú ý, những mẫu xe mới nối đuôi nhau gia nhập thị trường vào đúng giai đoạn có lẽ là nóng bỏng nhất của câu chuyện phí ôtô. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất áp dụng ba loại phí mới mà nếu thu cùng lúc, tổng số tiền phí phải chi cho một chiếc xe mỗi năm lên đến hàng chục triệu đồng.

Trong khi đó, sức mua trên thị trường vốn dĩ đã yếu ớt và thậm chí tiếp tục bám chặt xu hướng đi xuống. Lý do không hề mới, là bối cảnh kinh tế khó khăn cộng với mức tăng cao của lệ phí trước bạ tại hai thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội (12% lên 20%) và Tp.HCM (10% lên 15%).
 
img
Ô tô mới ồ ạt ra mắt

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh đến hiện tượng “giảm liên tục qua các tháng” gần đây của chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp ôtô.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng bán hàng của các hãng thành viên cũng liên tiếp sụt giảm. Tháng 12 năm ngoái, tổng lượng xe bán ra của nhóm doanh nghiệp này đạt gần 11.000 chiếc thì đến tháng 2 năm nay, con số này chỉ còn hơn 6.100 chiếc. Thời điểm này vẫn chưa có thống kê cụ thể doanh số của VAMA tháng 3, song theo tiết lộ của nhiều đại lý, khả năng hồi phục so với các tháng trước đó gần như là không tưởng.

Và thế là, khi thị trường còn đang khó khăn bởi kinh tế suy giảm và gánh nặng lệ phí trước bạ thì câu chuyện phí mới lại như một gánh nặng tâm lý chất thêm lên “vai” người tiêu dùng ôtô.

Nếu coi bối cảnh thị trường như một cơn bão thì các hãng xe chẳng khác gì những người cầm ô đi vào tâm bão. Vậy có thể coi đó là sự liều lĩnh?

Tâm sự với người viết, cán bộ quản lý mảng kinh doanh của một nhà nhập khẩu lớn cho biết, việc các hãng xe tung loạt sản phẩm mới ra thị trường đúng lúc khó khăn nhất cũng là sự chẳng đặng đừng. Sản xuất, kinh doanh ôtô không như nhiều ngành khác, lúc sôi động thị ào ào mang ra bán, lúc ế ẩm thì cất vào kho chờ thời cơ.

Trên thực tế, dù là sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu và phân phối nguyên chiếc, các doanh nghiệp ôtô đều phải lên kế hoạch và được duyệt trước ít nhất 6 tháng. Vì vậy, nếu không phải những lý do bất khả kháng, kế hoạch lên sẵn vẫn buộc phải thực thi. Có chăng, sự du di thời điểm cũng không đáng kể.

Nhưng cũng còn một khía cạnh nữa. Việc các hãng xe tung ra sản phẩm mới luôn mang nhiều ý nghĩa. Trong đó có hai mục tiêu tưởng như đối lập nhau là bán lúc nhu cầu được dự báo lên cao (trước Tết nguyên đán chẳng hạn) để tranh thủ sức mua và giới thiệu rầm rộ lúc ảm đạm để “refresh” thị trường.

Như người cầm ô phải tìm mọi cách để đứng vững, nhiệm vụ quan trọng của các hãng xe là làm sao để hoàn thành tốt nhất mọi mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Đó cũng là khi một nhà quản trị doanh nghiệp tốt thể hiện thuyết phục nhất giá trị của mình.
 
Theo vneconomy