Tạo cảnh quan, tăng diện tích cây xanh

Từ những loại cây cúc inđô, hoa mắt nhung, dạ yến thảo, thu hải đường, ngọc thảo, tía tô cảnh, lan ý, cúc mốc, lưỡi mèo vàng vằn, vạn niên công, hoàng lộc, dừa cạn, cây sống đời cho tới các loại hoa như mười giờ, cỏ nhật, thủy tiên, hoa đá,... thậm chí cả dương sỉ, cây nhền nhện, thài lài tím... đều được trồng thành tường tại các nút giao thông: hầm chui Kim Liên, cầu vượt Ngã Tư Sở và cầu dành cho người đi bộ sang đường ở phố Tây Sơn.

Theo đó, các loại cây này được trồng vào từng chậu nhỏ, gọn gàng, xếp ngăn nắp theo khung tường cây đã được lắp sẵn. Phía đằng sau là hệ thống tưới nước nhỏ giọt nuôi các loại cây tồn tại và phát triển. Những hình ảnh này đang được mô tả trong đề tài tạo tường cây xanh ở các nút giao thông do hai bạn sinh viên khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện.

Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 07 Q1, khoa Quy hoạch, trưởng nhóm chia sẻ: Hiện nay tốc độ đô thị hóa của Hà Nội nhanh quá mà diện tích dành cho cây xanh ngày một ít. Đặc biệt, tại các nút giao thông khác mức với những công trình cầu vượt, hầm chui chiếm một diện tích lớn với các diện tường bê tông khổng lồ. Nơi hấp thụ một lượng lớn nhiệt vào ban ngày và bức xạ lại vào môi trường và ban đêm gây khó khăn trong tỏa nhiệt của thành phố. Đi ra đường vào mùa hè, lúc dừng lại ở ngã tư, cảm giác hơi nóng bốc lên rất kinh khủng. Đây cũng là nơi thường xuyên trở thành những điểm dán tờ rơi quảng cáo, sơn vẽ bậy gây mất mỹ quan thành phố.

"Vì thế, bọn mình có ý tưởng cải tạo các diện tường của các công trình giao thông khác mức này thành các bức tường cây không chỉ mang lại sự thay đổi giá trị thâm mỹ hiện có của công trình mà còn là nơi tạo nguồn lợi tài chính cho nhà nước, góp phần vào bảo vệ môi trường, thiết lập hệ thống không gian xanh toàn diện cho thành phố", Diệp cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Bộ môn Kiến trúc cảnh quan - Trường Đại học Xây dựng cho rằng, hiện tại ở các khu vực cầu vượt,yếu tố cây xanh khu vực cầu vượt mới chỉ được xử lý đơn giản là tổ chức một số vườn hoa, bồn hoa tại các vị trí bùng binh, giải phân cách, đảo chuyển luồng. Cây bóng râm, cây dây leo để tổ chức mảng xanh trên mặt đứng thân cầu hoặc các giải pháp sử dụng tường cây chắn bụi, chắn tiếng ồn kết hợp tăng tính thẩm mỹ của kiến trúc cầu vượt hoàn toàn không được quan tâm đến.

Giải pháp hay, khó thực hiện?

Theo ông Đỗ Trần Tín, Phó chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch đô thị, Khoa Quy hoạch, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, ở các nước trên thế giới đã sử dụng giải pháp làm tường cây xanh ở các khu vực công cộng đặc biệt như Singapore. Các nước ở khu vực châu Âu đã thực hiện từ rất lâu rồi nhằm tăng diện tích cây xanh. Bởi những tường cây xanh đó có giá trị lớn về thẩm mỹ, cải thiện khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

"Thực tế ở Việt Nam, việc làm các tường cây xanh đã được thực hiện. Tuy nhiên mới chỉ xuất hiện riêng ở các gia đình hoặc trong các dịp diễn ra sự kiện mang tầm cỡ thành phố hoặc quốc gia với chức năng trang trí đường phố và không được duy trì lâu", ông Tín nhấn mạnh.

Vũ Linh Trang tâm sự: Theo sự tính toán, khảo sát của bọn mình, nếu trồng cây xanh ở ba công trình trên diện tích phủ xanh sẽ lên tới 5.000 m2. Với diện tích này, một lượng lớn khí độc do khí thải xe sẽ được hấp thụ vào lá cây tạo ra môi " trong lành", lượng lớn bụi trong không khí bị giữ lại trên lá cây và bám trên thân cây và một phần nữa được hơi ẩm giữ lại làm cho không khí trở nên trong lành hơn. Số tiền để thiết kế và hoàn thiện tường cây xanh là 400.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, một người làm trong mảng cây xanh đô thị tiết lộ, các chậu hoa thật, cây cảnh... chỉ được xuất hiện trong những dịp lễ lớn của thành phố hoặc của đất nước để trang trí vì số tiền để duy trì và giữ gìn cho cây tươi tốt không phải là nhỏ.

Để giải quyết vấn đề duy trì hoạt động của các tường cây xanh, Trang cho biết, cùng với hệ thống thiết kế tường cây xanh, bọn mình cũng tính phương án làm các panel cây trồng, thực hiện quảng cáo cho các đơn vị tài trợ từ các chậu cây xanh. Thông qua việc thiết kế các chậu cây trong khoảng diện tích, logo của các đơn vị tài trợ sẽ được xuất hiện. Bằng cách này, vừa có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của các bức tường cây, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các công ty kinh doanh.

"Sau khi đề tài của bọn mình được giải thưởng về ý tưởng sáng tạo bền vững, một vài công ty đã có ý định ứng dụng mô hình trong thực tế nhưng gặp phải khó khăn trong việc triển khai vì để có thể được cơ quan quản lý cấp phép thì không dễ. Diện tích đô thị ngày càng thu hẹp, việc trồng cây xanh theo bình diện đứng là hợp lý và có tính khả thi nên mình rất mong muốn đề tài này sẽ được ứng dụng trong thực tế chứ không chỉ là mô hình thí nghiệm đơn thuần ở vườn ươm", Diệp nói.

"Tôi nghĩ mô hình này được nhân rộng, áp dụng rộng rãi đem lại nhiều giá trị lớn cho cộng đồng. Hiện nay với quan điểm trông chờ vào sự chu cấp của nhà nước thì hiệu quả thực hiện nhiều dự án chưa cao. Nếu chúng ta biết áp dụng sự tham gia của cộng đồng, thực hiện xã hội hóa vào bảo vệ, giữ gìn cảnh quan đô thị thì tôi nghĩ rằng đề tài mang tính khả thi hơn. Tuy nhiên, nếu không bắt tay vào làm thì không thể thực hiện được và Thủ đô cũng không biết bao giờ mới có những bức tường cây xanh", ông Tín khẳng định.
 
Theo VEF