Theo các qui định của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật và Nghị định 161/2005 hướng dẫn thi hành, mọi văn bản qui phạm pháp luật của các Bộ (trong đó có Bộ Tài chính) chỉ có thể có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo (Điều 6, Khoản 2, Điểm a Nghị định 161/2005).

Quyết định 17 dường như tuân thủ qui định nói trên của pháp luật khi khẳng định có “hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo”. Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh ngay sau đó với thời hạn hiệu lực của mức thuế suất mới lại áp dụng ngay từ ngày 22/4/2008 - một ngày sau khi ký Quyết định.

Rất khó có thể giải thích được sự mâu thuẫn này ngay trong chính một văn bản của Bộ Tài Chính, Bộ luôn dẫn đầu cả nước về số lượng văn bản ban hành. Đặc biệt hơn, điều này lại không xảy ra đối với Quyết định 13.
 
Trao đổi với AutoPro, ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệpViệt Nam (VCCI), cho biết:

“Một trong những nguyên tắc cơ bản khi đưa ra các quyết định nói chung là phải đảm bảo yếu tố minh bạch, công khai có sự đóng góp của đối tượng chịu tác động trực tiếp của quyết định.

Sau đó các quyết định mang văn bản pháp luật cần đăng công báo, có hiệu lực kể từ ngày công báo là 15 ngày để đảm bảo cho các đối tượng chịu sự tác động có đủ thời gian quyết định nên hay không nên tiếp tục tiến hành các hoạt động tiếp theo.”
 
Hơn nữa, tính dự đoán được của chính sách đã không được các cơ quan chức năng coi trọng đúng mức như một trong những nguyên tắc cơ bản của quá trình ra chính sách. Trong khi đó, đây lại là yếu tố cơ bản để duy trì lòng tin của người dân với bộ máy chính quyền.

Sẽ không có nhà kinh doanh nào có thể yên tâm hoạt động trong một môi trường kinh doanh mà các hành lang pháp lý, các quy định chính sách thay đổi xoành xoạch, trở tay không kịp. Một môi trường kinh doanh như vậy rõ ràng là mang tính rủi ro quá lớn. (Trích "Thuế nhập khẩu ôtô và tính dự báo được của chính sách" - VnEconomy).

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhật Đức Auto – doanh nghiệp kinh doanh các loại xe nhập từ Châu Âu và Bắc Mỹ, bức xúc: “Quyết định này áp dụng cho chúng tôi – nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc - nhưng đến trưa ngày 21/04 chúng tôi mới biết qua báo chí và với thời gian còn lại chưa đầy nửa ngày, chúng tôi không thể hoàn tất thủ tục kể cả khi xe đã về Cảng. Như vậy, khác nào BTC “đánh úp” chúng tôi”.

Các doanh nghiệp nhập khẩu muốn hưởng mức thuế cũ thì bắt buộc phải mở tờ khai trước ngày 22/04/2008.

Theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp bản gốc “Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới" có xác nhận của Cục Đăng kiểm thì mới được làm thủ tục mở tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên thời gian từ lúc nộp cho đến khi Cục đăng kiểm xác nhận vào giấy này và trả lại cho doanh nghiệp thường mất 1 ngày.

Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc công ty MAST – doanh nghiệp kinh doanh các loại xe nhập khẩu của Hyundai, Ssangyong – nói về thời hạn hiệu lực của Quyết định:

“Đây là một đòn knock-out làm cho doanh nghiệp chúng tôi khóc dở mếu dở. Chúng tôi có 1 lô xe sẽ cập cảng tuần này nhưng ngay trong ngày 21/04 đã không thể làm thủ tục mở tờ khai hải quan vì chưa có giấy đăng ký kiểm tra, đây là tình trạng chung của rất nhiều các doanh nghiệp nhập khẩu. Thậm chí có những doanh nghiệp có hàng gửi sẵn trong kho ngoại quan nhưng vẫn không kịp làm thủ tục hải quan vì thời gian quá gấp”.

Ông Lê Thanh Hà cho biết thêm, ông cùng một số doanh nghiệp nhập khẩu xe tại Hà Nội đang “ngồi với nhau” và sẽ sớm khiếu nại về Quyết định 17 của Bộ Tài chính.

Dẫu rằng Chính phủ và Bộ Tài Chính đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu, tuy nhiên Chính phủ cũng chưa khi nào cho phép Bộ Tài Chính được áp dụng các biện pháp “gây sốc”. Cách hành xử “đầy bất ngờ” của Bộ Tài Chính tạo ra một môi trường kinh doanh rủi ro không đáng có và hệ quả là sự suy giảm lòng tin của doanh nghiệp vào hệ thống.
P.V