Sau khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận địa điểm quy hoạch ga C9 - thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) được đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng (ngay trước Hồ Gươm), theo nhiều chuyên gia, ga C9 được đặt ở vị trí này sẽ kỳ vọng hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc tại khu vực phố cổ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng nhà ga này cũng cần phải tính toán, quy hoạch rất kỹ về sự kết nối, hướng tiếp cận giữa các tuyến và các công trình hạ tầng xung quanh.

Giảm ùn tắc ở phố cổ

Trước các ý kiến lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng cảnh quan khu vực Hồ Gươm, trung tâm văn hóa lịch sử Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lý giải, ga C9 chìm hoàn toàn dưới lòng đất nên không ảnh hưởng cảnh quan không gian xung quanh. Duy nhất sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện. 

Còn các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém, nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận. Không những thế, khi nhà ga hoàn thành còn có thể di chuyển các quầy hàng lưu niệm, nhà vệ sinh... đang án ngữ, gây phản cảm không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, vị trí dự kiến đặt ga tàu điện ngầm trên phố Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) không ảnh hưởng cảnh quan chung của Hồ Gươm.

Theo ông Vạn, trong đồ án quy hoạch tuyến tàu điện Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do JICA nghiên cứu, đường lên xuống ga tàu điện chỉ có một mái nhô lên khoảng 3m nên không ảnh hưởng cảnh quan khu phố cổ. Hơn nữa, nhà ga dự kiến được mỗi lần có khoảng 300 người ra, vào ga để lên tàu nên số lượng không lớn, không ảnh hưởng tới trật tự đô thị.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch kiến trúc cũng phân tích, khi có tàu điện ngầm đi qua thành phố sẽ giảm thiểu được số lượng rất lớn phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc. Người dân ở nhiều địa điểm trong thành phố có thể đến khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều so với giao thông trên mặt đất hiện nay.

Theo Tiến sĩ Khất Việt Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải, vấn đề lo ngại của tàu điện trong nội đô chủ yếu là quy hoạch kiến trúc, về giao thông thì việc đặt ga ở khu vực hồ Gươm là phù hợp vì người dân, du khách rất dễ tiếp cận.

“Vị trí đặt ga C9 là khu vực trung tâm với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, kinh tế văn hóa phát triển nên nhiều người muốn đến. Vì thế, việc xây dựng nhà ga này sẽ tạo động lực cho sự thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan,” ông Hùng đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng phân tích, hệ thống đường sắt đô thị rất thân thiện môi trường, có trọng tải lớn, phù hợp với người đi bộ nên rất thích hợp trong khu vực đông dân cư. Vì vậy, loại phương tiện này sẽ góp phần hạn chế phương tiện giao thông trong khu vực phố cổ, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tác động đến môi trường.

“Vào những ngày lễ lớn, khu vực quanh hồ Gươm thường hạn chế phương tiện cơ giới, lúc đó tàu điện ngầm lại càng có vai trò quan trọng,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.
 
Nghiên cứu sự kết nối, hướng tiếp cận

Thế nhưng, bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có các chuyên gia khuyến cáo việc đặt ga tàu điện ngầm ở khu vực phố cổ và xung quanh hồ Gươm cần phải cân nhắc thật kỹ, bởi ở nhiều nước việc xây dựng ga tàu điện không chỉ phục vụ riêng giao thông mà nó còn gắn liền với trung tâm thương mại, siêu thị…đồng thời các tuyến đường sắt đô thị phải gắn kết với nhau, hình thành mạng lưới bao quát các khu vực đô thị quan trọng của thủ đô.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho rằng, xây dựng ga tàu điện ngầm phụ thuộc khả năng tiếp cận và đầu mối giao thông liên kết như các tuyến buýt, taxi, xe ôm... Ga tàu điện không phải công trình đơn độc mà cần nhiều công trình ngầm gắn liền với nó. Trong tương lai, ga tàu điện còn được liên kết với hệ thống ngầm khác như bãi đỗ xe, siêu thị ngầm nên sẽ tập trung nhiều người.

Chứng minh cho vấn đề này, ông Liêm đưa ra dẫn chứng cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế một siêu thị ngầm và các chuyên gia cũng tính đến việc gắn nó với nhà ga tàu điện đó. Còn ở Hàn Quốc, một số ga điện tàu ngầm có từ ngày xưa thì bây giờ làm thêm siêu thị nhưng là siêu thị "ảo", trên toa tàu có biển quảng cáo đầy đủ hàng hóa, giá cả để người dân gọi điện đặt hàng trực tuyến. 

“Ngoài ra, các giá trị sinh lời bên ngoài mà hệ thống đường sắt đô thị mang lại rất lớn như: Thuế doanh thu, thuế sử dụng đất và sử dụng hạ tầng đặc biệt…thu được từ các hoạt động dịch vụ thương mại sẽ làm tăng thêm doanh thu để bù đắp lại việc đầu tư nhiều tiền xây dựng tàu điện,” ông Liêm cho hay.

Cùng chung quan điểm này, theo ông Lưu Xuân Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, nếu chúng ta không có hướng tiếp cận “đi trước một bước” thì việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị sẽ không thể tạo ra hướng phát triển đô thị bền vững hoặc định hình một khu vực đô thị tập trung và dựa trên giao thông công cộng. 

“Hướng tiếp cận này đòi hỏi phải đi đôi với việc tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang tuyến và khu vực quanh các nhà ga nhằm cung cấp một dịch vụ vận tải công cộng chất lượng cao và hiệu quả nhờ có sự kết nối tốt giữa các tuyến và với các loại hình giao thông đô thị khác,” ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết thêm: “Phát triển gắn kết sẽ đem lại lợi ích cho cả đường sắt đô thị về mặt lượng hành khách và phát triển đô thị trên phương diện tạo ra cơ hội cho phát triển không gian đúng trình tự, cũng như tăng trưởng kinh tế - xã hội năng động hơn.”

Ông Nguyễn Huy Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Giao thông đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quan điểm của những người làm quy hoạch là hạn chế những dự án xây dựng tiếp cận quá gần không gian xanh tự nhiên, đặc biệt là những không gian có giá trị văn hóa. 

“Thực tế, xây dựng tuyến đường sắt này có cái lợi là đặt ở vị trí văn hóa du lịch nên sẽ thu hút được nhiều du khách. Tuy nhiên, việc xây dựng ga tàu điện ngầm cần phải xem xét sao cho hài hòa với tự nhiên, không phá hủy không gian xanh,” ông Thịnh nhấn mạnh./.

Toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,5km ngầm và 3km trên cao. Dự kiến, năm 2017 tuyến sẽ có bốn toa tàu, sau năm 2017 sẽ tăng lên sáu toa, và tới năm 2020 tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng qua khu vực phố cổ (Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào) tới phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở đường Trần Hưng Đạo. 


Theo TTXVN