Giờ đây, chỉ cần lướt Web, người tiêu dùng đã có thể tìm thấy mọi thông tin về loại xe mình quan tâm. Nếu có nhu cầu mua, cũng chỉ một cái "click chuột" là thấy hàng chục thậm chí hàng trăm tin rao bán. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo tính chân thực của thông tin trên Internet nên người tiêu dùng vẫn phải thận trọng khi lên "chợ ảo" mua xe.

Mánh khóe của “cò”

“Xe Jupiter MX, biển số TP, 14 triệu. Cần tiền gấp nên bán rẻ, các bạn đừng trả giá nữa tội mình nhé, xe còn đẹp, chính chủ đứng bán, màu đen” - Tôi gặp tin rao vặt này ở website Rongbay.com, nghe cũng khá hấp dẫn với những người đang cần mua xe cũ. Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin theo số điện thoại 091XXXXXX của người đăng, tôi lại gặp tin cần bán một chiếc Future, một chiếc Attila Victoria trên những trang rao vặt khác. Như vậy, trong vòng 20 ngày (25/5 - 16/6/2009), cùng một người đã rao bán 3 chiếc xe chính chủ. Liệu anh ta là sở hữu nhiều xe đến thế chăng? Thử kiểm tra một số tin rao bán xe khác, tôi phát hiện nhiều trường hợp tương tự.

Vài mánh tránh "cò" cho "dân mạng"

Cách đơn giản nhưng khá hiệu quả là dùng công cụ tìm kiếm Google. Copy số điện thoại của các chủ xe "chính chủ" và đưa vào ô tìm kiếm, kết quả tìm kiếm sẽ cho thấy khá chính xác đâu là "cò" dựa trên số lần đăng tin và loại xe đăng bán. Dùng cách này để thử kiểm tra số điện thoại 098xx86686 đã đăng tin "bán Innova, xe gia đình, chính chủ", tôi đã có 136 kết quả cho thấy rất nhiều xe từ Matiz, Mazda, Camry đến BMW, Mercedes đã qua tay vị "chủ xe" này!

Một lưu ý nữa là các "cò" chuyên nghiệp thường dùng số điện thoại có số đẹp, dễ nhớ. Nếu một xe có giá bán "quá hời" đi kèm một số điện thoại đẹp, hãy đề phòng: có thể là "cò" đấy!

"Cò" lên mạng ảo và...lừa thật!

T – một người buôn xe cũ tại đường Phan Chu Trinh, nói với tôi: “Dân buôn xe cũ online nhiều lắm. Đăng tin bán xe chính chủ, phàn nàn nhà chật không có chỗ để, muốn thay xe mới, cần tiền bán gấp... chẳng qua cũng là chiêu câu khách mà thôi. Đăng tin, “câu” được khách tới xem xe, họ sẽ có cách chống chế với những thắc mắc của khách hàng. Nếu đăng kí không trùng tên người bán thì cứ giải thích là ngày trước phải nhờ người đăng kí hộ. Chỉ cần thuyết phục đó là xe chính chủ cũng đủ để khách yên tâm và không “soi” quá kĩ ”.
 
Xưng danh “chính chủ” để rao bán xe giá “rẻ” với những lý do tưởng chừng “bất đắc dĩ” là mánh khóe của không ít dân buôn. Nhiều khách hàng tin lời rao vặt, chuốc phải những chiếc xe cũ nát được tân trang mà chẳng hề hay biết. Chỉ tới khi mang xe về sử dụng, gặp sự cố mới phát hiện mình đã bị lừa.

T.A ở Hà Đông vẫn “ngậm ngùi”: “Mình đọc được tin rao vặt bán một chiếc Vespa cổ của một người nói “yêu xe cổ, chỉ bán xe cho ai đam mê xe, giá cả không quan trọng. Xe tốt, được giữ gìn cấn thận”. Mình liên lạc, được anh ta “luyến tiếc” bán cho với giá 14 triệu đồng. Sau gặp một bác chơi Vespa lâu năm mình mới biết người bán xe kia là dân buôn. Cái xe của mình giá chỉ 6-7 triệu, bị làm lại nhiều nên chẳng mấy giá trị”.

Tin rao bán ô tô cũng tràn ngập trên các trang rao vặt, diễn đàn. Ngoài thông tin khá chính xác của các đại lý, công ty có địa chỉ rõ ràng, đa số thông tin còn lại được cho là của “cò” chuyên nghiệp. “Cò” đăng tin mời gọi khách hàng bằng những thông tin hấp dẫn nhưng khác xa thực tế. Anh Nam ở Gia Lâm kể chuyện: “Gọi điện tới mấy số liên lạc của người đăng tin bán xe nghe khá hấp dẫn trên trang rao vặt đều được họ trả lời là hiện tại chiếc xe đó được bán rồi nhưng còn chiếc xe loại khác giá ưu đãi và thuyết phục nhì nhằng... Hóa ra toàn “cò” đăng tin bán xe chính chủ để dụ khách”.

Chuyện sẽ không đáng nói nếu "cò" chỉ đơn thuần là mua đi bán lại. Tuy nhiên, xác suất mua được xe tốt/giá tốt từ "cò" là rất thấp. Đa phần dân buôn xe chuyên nghiệp thường "ăn quả đậm" khi mua xe cũ, xe tai nạn rồi về "tút tát" để bán giá cao. Những xe tốt không cần phải "mông má", "cò" thường bán sang tay ngay nên đừng hy vọng mua được xe rẻ hay tốt từ "cò".
 
Tội phạm chợ ảo

Thời gian gần đây, công an Hà Nội đã bắt giữ được nhiều đối tượng chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe máy liên tỉnh. Bán xe trộm cắp qua Internet là một thủ đoạn của các đối tượng này. Thông qua nhiều nguồn khác nhau, bọn tội phạm đục lại số khung, số máy, làm biển kiểm soát giả rồi đăng tin bán xe rẻ trên Internet. Người mua xe vô tình trở thành người tiêu thụ hàng trộm cắp, chỉ tới khi cơ quan chức năng thông báo mới biết rằng mình đã bị lừa. Trong câu chuyện này, người mua xe là người thua thiệt nhất.

Việc mua bán qua Internet rất khó kiểm soát do tính nặc danh của người tham gia giao dịch. Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có sự giám sát, quy định cụ thể về việc mua bán trong môi trường trực tuyến. Các trang rao vặt ngày càng nhiều, phần lớn thông tin được đăng tải tự do, miễn phí và không có cơ sở đảm bảo tính chân thực của thông tin. Do vậy, người tiêu dùng phải tìm cách tự tránh rủi ro khi chọn đồ ở trên chợ ảo.

Nếu có ý định mua một chiếc xe được rao bán trên mạng, nên đi cùng người có hiểu biết và có kinh nghiệm để xem xe. Cần kiểm tra món hàng thật kĩ lưỡng từ “trong ra ngoài”, chú ý cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Giấy tờ xe phải đầy đủ, nguyên vẹn, không có vết tẩy xóa. Cần định giá xe dựa trên chất lượng thực và phần trăm xe mới, giá xe trên mạng đôi khi chỉ mang tính chất tham khảo. Khi đồng ý mua xe, một bản hợp đồng mua bán có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và xác nhận của người bán là điều cần thiết.

Trên Internet là cả một cộng đồng, có nhiều người tốt, mua bán trung thực nhưng cũng có không ít kẻ gian. Xe lại là món đồ giá trị nên khi mua bán người tiêu dùng cần xem xét kĩ. Cẩn tắc vô áy náy!