1-4-2009 – Thời điểm áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với ô tô đã gần kề. Theo dự đoán, sau thời điểm này, dòng xe 6 -9 chỗ sẽ đồng loạt tăng giá trên 10% tùy theo dung tích xi-lanh. Người tiêu dùng hối hả mua xe và với Innova, Fortuner, dường như Toyota đang dẫn đầu trong cuộc đua bán xe “chạy thuế”.

Innova, Fortuner bán chạy...nhờ thuế!

Ngày 18-3, tất cả các đại lý ủy quyền của Toyota mà phóng viên AutoPro liên hệ được đều cho biết: Hiện tại, đại lý không có xe Fortuner. Xe mới ra, bán chạy, khả năng lắp ráp của hãng không kịp đáp ứng nhu cầu. Nhiều người đã đặt mua trước nhưng đại lý vẫn chưa có xe giao. Nếu kí hợp đồng mua xe tại thời điểm này, sớm nhất phải đến tháng 6 khách hàng mới nhận được Fortuner máy dầu, Fortuner máy xăng phải chờ đến tháng 7. Và đương nhiên, giá xe sẽ được tính theo thời điểm nhận xe. Lúc này, mua Fortuner “chạy thuế” là điều không thể.

Trong vai người mua xe, không tìm được Fortuner, tôi chuyển hướng mua Innova với mong muốn: “Được nhận xe trước 1-4”. Tuy nhiên, Innova cũng “cạn”. Đa số các đại lý chỉ còn bản số tự động bán đúng giá 32.600 USD. Một đại lý còn Innova số sàn nhưng chỉ có duy nhất màu xanh dương. Nếu đặt mua ngay Innova số sàn, tháng 4 khách hàng mới được giao xe và phải thanh toán theo giá mới. Có đại lý còn thận trọng không nhận hợp đồng mua xe của khách hàng trước 1-4 đối với những mẫu xe hiện đã hết hàng với lý do “tránh phiền phức do biến động giá sau khi tăng thuế”.

Theo dự đoán, sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá xe Innova tăng 12%, Fortuner tăng 15%. Như vậy, nếu mua xe trước 1-4, người tiêu dùng có khả năng tiết kiệm vài ngàn USD. Có thể nói, thị trường ô tô tháng 2 và tháng 3 nói chung và doanh số của Innova, Fortuner nói riêng “nóng” lên nhờ… thuế. 

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các nhà sản xuất ô tô đua nhau giảm giá kích cầu, nhìn cảnh bán hàng của Toyota tại Việt Nam, hẳn nhiều hãng xe phải thèm thuồng.

“Đục nước béo cò”

Trong khi các đại lý chính hãng nói Fortuner “cháy hàng” ngay khi xuất xưởng thì thực tế vẫn có người mua được xe trong thời điểm này. Một thành viên của Diễn đàn Otofun kể: “Tình cờ em được chứng kiến một giao dịch mua bán Fortuner, 41.000 USD cộng thêm 2.100 USD cho chú "sâu" của Toyota XXX. Việc thanh toán tiền và nhận xe được thực hiện tại cửa hàng "Đồ chơi ô tô" của chú sâu, xe giao ngay nhưng chưa đủ giấy tờ (em nghe loáng thoáng hẹn 2 ngày nữa). Thật không hiểu nổi trong bối cảnh ô tô toàn cầu ế ẩm vậy mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải xếp hàng”.

Một số người cũng cho biết, để nhận được xe trước 1-4, họ đã phải mua xe đắt hơn giá niêm yết. Khoản giá trội là khoản “lót tay” cho người giúp họ mua xe. Cũng tại diễn đàn Otofun, thành viên Toyota_Fortuner viết: "Mình đây cũng chi cho nó hết 1500$ đấy. Chỉ mỗi tội ham xe quá! Bây giờ có bác còn chi cho nó 3000 USD mà vẫn ko có hàng đấy. Đến tháng 5 hay tháng 7/2009 mới có hàng. Khiếp, bọn nó bán đắt thế!"

Người dùng có quyền lựa chọn sản phẩm. Hay chính họ đã quên mình là "thượng đế"?

Khi tôi hỏi một nhân viên kinh doanh ô tô về cách mua được xe “khan” trước nguy cơ tăng giá, nhân viên này cho biết : “Có thể các công ty nhỏ lẻ bên ngoài vẫn “găm” hàng. Nhưng nghe nói thời điểm này giá của họ phải  trội hơn 4000 USD so với giá hãng đưa ra”. Như vậy nhiều người phải mua xe “qua tay” và “mất oan” một khoản tiền không nhỏ.

Fortuner chưa có, khách hàng cần xe trước 1-4, Innova “số lượng có hạn” bán chạy. Và một số đại lý chỉ bán xe khi khách hàng chịu lắp thêm phụ kiện. Như vậy, ngoài khoản tiền phải trả theo giá niêm yết, người mua phải bỏ thêm 20-25 triệu đồng lắp phụ kiện mới có thể lấy xe. Nhân viên của đại lý giải thích: “Trên hãng giao chỉ tiêu phụ kiện nên đại lý bọn em buộc phải bán kèm”. Thiết nghĩ, nếu xe ế ẩm, liệu đại lý có khăng khăng “ép” khách ?

Câu chuyện Toyota Fortuner, Innova còn khiến nhiều người liên tưởng tới “chiêu bài” Honda Airblade, Lead khan hiếm. Với người bán, một câu hỏi "biết rồi, nói mãi": Khách hàng Việt thực sự được là “thượng đế” của các hãng xe?

Với "thượng đế", ngoài việc chính sách “sớm nắng, chiều mưa” khiến người mua xe vắt chân lên cổ “chạy thuế” thì bản thân người tiêu dùng cũng phải chịu trách nhiệm với sự “thông thái” của mình khi tình nguyện quên vai trò “thượng đế”.