Trong một cuộc họp báo mới đây, hãng Mazda đã chính thức xác nhận thông tin CX-7 chuẩn bị "bốc hơi" khỏi thị trường Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, doanh số bán hàng trung bình hàng tháng của Mazda CX-7 tại thị trường Mỹ chỉ dừng ở mức 2.600 chiếc. Đến cuối tháng 2, chỉ còn đúng 6.100 chiếc Mazda CX-7 còn lưu kho. Hãng Mazda cũng không có ý định bổ sung thêm vào con số trên. Điều này đồng nghĩa với việc CX-7 chỉ còn 3 tháng nữa là biến mất khỏi nước Mỹ.

Một trong những lý do khiến Mazda quyết định "khai tử" CX-7 tại thị trường Mỹ chính là đảm bảo tương lai cho các mẫu crossover cùng kích cỡ của hãng. Mazda không muốn khách hàng phải cảm thấy bối rối trước những mẫu crossover cùng kích cỡ trong một showroom.
 
img
Mazda CX-7 sở hữu kích thước "lưng chừng".

Có thể nói, CX-7 là một mẫu xe nằm trong phân khúc crossover "lơ lửng". So với những mẫu xe crossover cỡ nhỏ trung bình như Honda CR-V và Toyota RAV-4, Mazda CX-7 đồ sộ hơn. Thế nhưng, đứng trước những mẫu xe crossover cỡ trung như Jeep Grand Cherokee, thành viên nhà Mazda lại nhỏ bé hơn.

Về phần mình, tân binh CX-5 sở hữu kích cỡ ngoại thất không bằng "đàn anh" CX-7 nhưng lại mang trên mình khoang nội thất rộng rãi hơn. Ngoài ra, CX-5 còn có một số lợi thế khác như hệ dẫn động thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả và thân thiện với môi trường mang tên SkyAtive.

img
Đồ sộ hơn nhưng Mazda CX-7 lại sở hữu khoang nội thất không rộng rãi bằng "đàn em" CX-5.
 
"CX-7 nằm giữa CX-5 và CX-9 tương lai. Trong làng xe thế giới, CX-7 chỉ có một đối thủ đúng nghĩa, đó là Nissan Murano", ông Robert Davis, phó chủ tịch Mazda Mỹ, phát biểu với AutoNews. "Với kích cỡ lơ lửng, giá bán và động cơ tăng áp, CX-7 có quá nhiều bất lợi để tiếp tục thành công tại thị trường Mỹ".

Theo ông Davis, một số đại lý Mazda tại Mỹ hiện đã từng phản đối quyết định "khai tử" CX-7 của hãng. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy CX-5 "bằng xương, bằng thịt", họ đã thay đổi suy nghĩ.

Dự kiến, CX-7 sẽ tiếp tục được phân phối tại nhiều thị trường khác, ngoài Mỹ.

Theo Carscoop