Đây là động thái nằm trong nỗ lực tự do hóa kinh tế mới đây được chính quyền thủ tướng Najib Razak áp dụng. 

Chính sách mới này đã dỡ rào cho việc cấp phép sản xuất bị đóng băng 3 năm nay, vốn áp dụng cho xe cỡ trung và cỡ lớn, cũng như những xe dùng động cơ hybrid và động cơ điện. Chính sách mới cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các công ty sản xuất xe hybrid hoặc xe điện. Malaysia hi vọng đây sẽ là một bước “ghi điểm” so với Thái Lan, nước có nền công nghiệp ô tô phát triển nhất Đông Nam Á, nhưng chậm ứng dụng các phát kiến về xe thân thiện với môi trường. 

Mustapa Mohamad, Bộ trưởng bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế của Malaysia phát biểu: “Thực tế, Thái Lan đã làm tốt hơn chúng tôi. Nhưng chúng tôi muốn Malaysia có ưu thế về cạnh tranh hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ phát triển một nền công nghiệp ô tô độc lập và có tính cạnh tranh cao.” 

Chiến lược bảo hộ nhà sản xuất trong nước là sai lầm 

Qua lời tuyên bố này, có thể thấy chính quyền Malaysia đã nhìn nhận kế hoạch dài hơi của mình nhằm bảo hộ các thương hiệu ô tô trong nước như Proton và Perodua với hi vọng khiến nền công nghiệp ô tô Malaysia có tính cạnh tranh cao trong khu vực đã thất bại. Chính sách mới khẳng định niềm tin của ông Najib rằng để thu hút đầu tư nước ngoài, cần cân đối lại vấn đề sở hữu nước ngòai và trong nước.  

Theo luật mới, người nước ngoài sẽ được phép sở hữu 100% các nhà máy sản xuất xe hybrid, xe điện và các mẫu xe sedan cỡ trung và lớn. Với luật trước đó, các công ty nước ngoài chỉ được sở hữu 30 đến 51% đối với nhà máy trong nước.  

Cả Malaysia và Thái Lan đều được coi là “những con hổ châu Á” trong những năm 90, mỗi nước theo đuổi một chính sách khác nhau đối với nền công nghiệp ô tô trong suốt 2 thập kỷ qua. Thực tế đã chứng minh rằng sau 2 thập kỷ, Thái Lan là người chiến thắng.

Thái Lan đã thu hút các nhà sản xuất nước ngoài như Toyota, Honda, General Motors và Ford Motor xây dựng các nhà máy trong những khu công nghiệp ở phía đông thủ đô Bangkok. Hiện, Thái Lan đã trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu được 775.000 xe, so với con số 20.000 xe của Malaysia, theo con số thống kê của J.D. Power & Associates. Con số xe Thái Lan sản xuất được là 1,4 triệu xe, so với 520.000 xe của Malai.  

Mặc dù chính quyền Thái Lan trong 3 năm qua liên tiếp tranh cãi về vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng đất nước này đã đặt một vị thế vững chắc trong khu vực Đông Nam Á như một trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu. Ông Bonnell của J.D. Power & Associates bình luận “chỉ một cuộc nội chiến thực sự mới khiến đầu tư vào nước này giảm xuống.” 

Các nhà phân tích ở Kuala Lumpur cho biết, chính sách mới của Malaysia sẽ thu hút các nhà sản xuất xe châu Âu như Volkswagen, Peugeot và Volvo, do với luật mới, họ có thể sản xuất xe hybrid, xe điện và thậm chí xe chạy xăng có giá trên 45.000 USD và dung tích xylanh vượt quá 1800 cc. 

Tuy nhiên, dù thế nào, Malaysia cũng khó để có thể vượt mặt Thái Lan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Thái Lan giảm thuế và không hạn chế đối với sở hữu nước ngòai tại các công ty ô tô trong nước, đó là một lợi thế khó có thể vượt qua.  

Malaysia không bỏ rơi Proton 

Malaysia đưa ra chính sách ô tô trong nước năm 2006 với mục tiêu giúp công nghiệp nước nhà cạnh tranh tốt hơn với Thái Lan. Nền công nghiệp ô tô Malaysia gồm 4 nhà sản xuất ô tô và thu hút 51400 nhân công. Quyết định đưa ra hôm thứ  vừa rồi đã hoàn tòan đảo ngược điều đó.  

Tuy nhiên, chính quyền sẽ không bỏ rơi Proton, nhà sản xuất ô tô nội địa lớn nhất với đa phần là sở hữu nhà nước. Malaysia cho biết, Proton sẽ thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với 1 nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Renault và Volkswagen sẽ là những đối tác tiềm năng, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ đưa ra vào cuối năm nay.  

Các nhà quan sát nhận định, việc bãi bỏ hạn chế với các công ty nước ngoài sẽ khiến cho các công ty ô tô nội địa chật vật hơn, do phải cạnh tranh với những đối thủ trường vốn và giàu kinh nghiệm hơn rất nhiều. Tuy vậy, hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Malaysia, bao gồm các doanh nghiệp trong nước, lại ủng hộ quyết định của chính phủ . Aishah Ahmad, chủ tịch hiệp hội phát biểu: “đó là bước đi đúng hướng, ít nhất chúng tôi đã tỏ ra từng bước tự do hóa và có thể bắt kịp với Thái Lan.” 

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Malaysia có ít sự lựa chọn, tự do hóa công nghiệp ô tô là yêu cầu bức thiết trước sức ép của tòan cầu hóa và cam kết khi ra nhập WTO.  

Tuy nhiên, khi mở rộng khối công nghiệp ô tô, nước này sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt nhân công lớn. Malaysia có dân số 28.000 dân và phụ thuộc phần lớn vào lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. 

Thái Lan đã tập trung vào dòng xe chiến lược là xe pick up, do đó, phân khúc xe nhỏ hiện đang để ngỏ cho Malaisia.  

Cơ hội đang còn đó, miễn sân chơi là công bằng.

 

 Theo NYtimes