“Ảo ảnh” sau tay lái

Cách đây chưa lâu, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại đường Phan Đình Phùng - TP Thái Nguyên. Xe ô tô khách 24 chỗ đâm liên tiếp 4 xe ô tô con đỗ ven đường, sau đó tiếp tục đâm vào 1 xe máy và 1 xe đạp. 4 xe ô tô bị hư hỏng nặng, 2 người bị thương nặng.

Tài xế gây tai nạn là Chu Ngọc Quang (SN 1970, trú tại thị trấn Đại Từ, Thái Nguyên) đã có 4 năm sử dụng ma túy. Sau khi gây án, Quang đã nhận bản án 6 tháng tù giam. Mãn hạn tù, Quang tiếp tục trở lại với nghề lái xe khách đường dài nhưng chỉ được một thời gian ngắn căn bệnh HIV đã khiến gã hao mòn sức lực. Từ một tài xế khỏe mạnh, vần vô lăng khắp các cung đường, giờ Quang vật vờ chống chọi với bệnh tật. Tất cả cũng chỉ vì ma túy gây ra.

Những tài xế như Quang không phải là hiếm. Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua tìm hiểu tại một số Trung tâm chữa bệnh giáo dục, lao động xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ học viên làm nghề lái xe nghiện ma túy đã và đang cai nghiện khiến người ta không khỏi giật mình. Tại trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội huyện Đại Từ, số người nghiện ma túy làm nghề lái xe chiếm khoảng 30%. Trung tâm 05 - 06 của tỉnh đang có 6 học viên làm nghề lái xe ô tô cai nghiện. Còn ở Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội TP Thái Nguyên, từ năm 2005 đến nay có 30 người đến cai nghiện ma túy.

Học viên Lê Quang Huy - Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội TP Thái Nguyên đã từng làm nghề lái xe khách gần 10 năm, thì có tới 5 năm “dính” vào ma túy. Huy tâm sự: Vài lần bạn rủ rê, thử cho biết rồi nghiện. Mỗi ngày phải sử dụng 2 cữ, khi dùng ma túy lái xe cứ lâng lâng, điều khiển kém chính xác. Đã nhiều lần xe của Huy gây TNGT mà nguyên nhân cũng do đang phê thuốc.

Theo nhiều lái xe nghiện ma túy thì nghề này thường phải đi nhiều nơi, xa nhà, va chạm với nhiều thành phần trong xã hội nên dễ bị lôi kéo, rủ rê, dẫn đến nghiện. Học viên Nguyễn Việt Dũng - Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh Thái Nguyên là một ví dụ. Trước khi vào trung tâm cai nghiện ma túy, Dũng làm nghề lái xe tải. Thấy đồng nghiệp chơi ma túy, Dũng cũng đua đòi rồi mắc nghiện. Tiền làm ra bao nhiêu đều “đốt” vào ma túy. Dũng nói: Nếu mỗi ngày không sử dụng 3 cữ thì không lái xe được. Nhưng khi đang phê mà lái xe cứ như bay, nhiều lúc chỉ lái theo ảo giác. Khi tỉnh mới thấy nguy hiểm nhưng khi lên cơn “vật thuốc” thì... đâu lại vào đấy.

Chế tài chưa nghiêm

Luật GTĐB nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Tại Nghị định 34 của Chính phủ cũng quy định, nếu người điều khiển xe ô tô sử dụng chất ma túy sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

Chế tài là thế nhưng thực hiện không dễ, bởi việc phát hiện lái xe nghiện ma túy gặp không ít khó khăn. Thượng tá Trần Trọng Khiêm - Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, khi kiểm tra thì đương nhiên không lái xe nào tự nhận là mình nghiện. Trong khi đó, lực lượng CSGT không có thiết bị thử nước tiểu, thử máu để phát hiện đối tượng nghiện tại chỗ.

Thực tế cho thấy, tài xế đang lên cơn hoặc “vật thuốc” sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, hậu quả thường rất lớn. Để hạn chế được tình trạng này, trước tiên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện các lái xe nghiện, kiên quyết không sử dụng những tài xế mắc nghiện. Hơn nữa, chế tài hiện nay mới chỉ xử phạt những lái xe mắc nghiện, còn đơn vị quản lý những lái xe này lại chưa được nhắc đến.
 
Theo GTVT