Các vụ lái xe taxi “bắt chẹt” khách du lịch nước ngoài xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về công tác quản lý hoạt động của hãng taxi, đạo đức lái xe.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, những doanh nghiệp taxi làm ăn “chộp giật” không quản lý được lái xe đã làm ảnh hưởng đến các đơn vị làm ăn uy tín.

Chiêu trò tinh vi

Trong vòng nửa tháng qua, tại Hà Nội, hiện tượng ăn gian tiền cước của tài xế lái taxi, thường xảy ra đổi với khách nước ngoài hoặc người từ nơi khác đến Hà Nội du lịch, đã khiến bộ mặt thủ đô nghìn năm văn hiến có phần “biến dạng” trong con mắt du khách.

Cụ thể, vào các ngày 28/4 và 10/5, hai lái xe của hãng Trung Việt, Thanh Nga đã có những hành vi “chặt chém” các du khách nước ngoài sử dụng taxi. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã phải tiến hành xin lỗi và yêu cầu những doanh nghiệp này cần có những biện pháp răn đe tài xế để nâng cao chất lượng dịch vụ taxi.

Tại Hà Nội, mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, xử lý mạnh tay với các sai phạm qua nhiều cuộc thanh kiểm tra lái xe, hãng taxi nhưng dường như không thể cải thiện được hình ảnh bởi số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh taxi đã ở mức... mất kiểm soát.

Thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, đến nay, trên toàn địa bàn thủ đô có 117 doanh nghiệp được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, với 17.000 phương tiện và 2.000 lái xe.

Qua các cuộc thanh kiểm tra thường xuyên, Thanh tra Bộ Giao thông, Sở Giao thông Vận tải đều đánh giá, trong số các đơn vị taxi trên, có quá ít hãng hoạt động nghiêm túc và chú trọng xây dựng thương hiệu và nâng cao phục vụ hành khách.

Theo ông Mạnh, chỉ qua đợt kiểm tra sơ bộ các xe taxi, lực lượng thanh tra đã phát hiện hàng loạt những “thủ thuật” gắn chíp điều chỉnh đồng hồ tính cước mới mà các lái xe đã “móc túi” hành khách.

Lấy dẫn chứng trong đợt kiểm tra ngày 8/5 vừa qua, lực lượng thanh tra đã lập biên bản 5 trường hợp lái xe taxi gian lận cước của các hãng Ngọc Linh, Hương Lam, Sông Hồng, Trung Việt cùng với “chiêu” sử dụng điện thoại điều khiển đồng hồ cước hay dùng khóa mở cửa kính (cửa cuốn điện) để điều khiển chíp được gắn trong đồng hồ…

“Tất cả các vi phạm trên đều bị tạm giữ phương tiện.sau khi phát hiện sai phạm đồng thời lực lượng thanh tra đã mời các hãng taxi lên làm việc. Các doanh nghiệp đều nhận lỗi vi phạm, quản lý lái xe lỏng lẻo và hứa sẽ khắc phục, chấn chỉnh,” ông Mạnh cho biết.

Ngoài ra, ông Mạnh cũng khẳng định: "Trong đợt này, lực lượng Thanh tra Giao thông tiếp tục lập đoàn kiểm tra với mục tiêu kiểm tra 20 đơn vị taxi trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh hoạt động. Với những doanh nghiệp có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ bắt buộc khắc phục tồn tại và đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh khi tái phạm."

Tha hồ “lách” luật

Thừa nhận sự phát triển quá nhanh về số lượng xe taxi và phân bố không đồng đều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm nảy sinh những bất cập, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng, doanh nghiệp taxi quá nhiều nhưng đều làm ăn theo kiểu manh mún, “chộp giật”, không quan tâm quản lý hoạt động của hãng cũng như lái xe đồng thời việc cấp phép kinh doanh và hệ thống văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều “lỗ hổng” nên doanh nghiệp vẫn tìm được “mánh” để “lách”.

Đánh giá về sự gia tăng quá “nóng” của phương tiện taxi, theo ông Mạnh, hiện nay, taxi hoạt động quá manh mún, trừ một số hãng taxi hoạt động uy tín, chú tâm xây dựng thương hiệu còn lại không ít đơn vị làm ăn kiểu “chộp giật”.

Dẫn chứng, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 31 hãng xe với 15.000 xe, song ở Hà Nội số xe chỉ nhỉnh hơn chút (khoảng 17.000 xe) lại có tới 117 hãng taxi. Tính ra, mỗi hãng ở Thành phố Hồ Chí Minh có tối thiểu cũng vài trăm xe, trong khi đó ở Hà Nội chỉ cần 5-10 xe cũng đã thành lập được hãng taxi, rồi đưa vào hoạt động. 

“117 doanh nghiệp taxi là quá nhiều và nhỏ lẻ. Thành phố nên thu gọn vào chừng 50-60 hãng là hợp lý, việc quản lý cũng thuận tiện và chặt chẽ hơn. Còn như hiện nay, các đơn vị đông, trong đó, phần lớn lại là cổ phần, đóng góp nên không quản lý,” ông Mạnh bày tỏ quan điểm.
 
Đồng tình quan điểm đó, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, sau mỗi đợt ra quân kiểm tra phát hiện rất nhiều vi phạm nhưng vẫn không thể đưa taxi vào hoạt động quy củ bởi doanh nghiệp đã có nhiều “mánh” để “lách” luật.

Ông Sỹ đưa ra dẫn chứng cho vấn đề này, khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có thống kê số lượng xe taxi nhưng nhiều hãng có vài ba chiếc đi gom góp, thuê phương tiện đeo thương hiệu và "bán cái" cũng xin thành lập hãng. Mỗi xe mua thương hiệu chỉ cần đóng tiền thuế hàng tháng cho hãng, ăn chia phần trăm vì vậy mà nhiều doanh nghiệp không thống kê hết số xe. Điều này tạo điều kiện cho hãng kiếm lợi nhuận và trốn thuế Nhà nước.

“Nghị định 91 và Thông tư 14 ban hành đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, nhưng trong hoạt động có một số điểm cần phải xem xét lại về cách thức kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước,” ông Sỹ nhấn mạnh.

Ngoài tình trạng trên, qua các đợt kiểm tra gần đây, lực lượng thanh tra giao thông còn phát hiện một số lái xe taxi không có chứng chỉ hành nghề. Các hãng chưa chú ý đến công tác quản lý, sát hạch đầu vào và kinh doanh đối với người lao động vẫn còn lỏng lẻo dẫn tới ý thức chấp hành kinh doanh và luật của doanh nghiệp cũng như lái xe là chưa nghiêm túc, thiếu văn hóa, kiến thức, không gây được thiện cảm với hành khách.

Lực lượng chức năng đưa ra dẫn chứng về việc này như hợp đồng với lái xe cần phải có chế tài cưỡng chế, để khi tài xế vi phạm phải có điều khoản xử lý. Bởi, nhiều lái xe khi vi phạm đã tự ý bỏ cả xe và doanh nghiệp nên doanh nghiệp lại đề nghị văn bản xin phương tiện về tiếp tục hoạt động.

Ông Mạnh cho biết, thanh tra giao thông có kiến nghị nếu lái xe bị sa thải ở một hãng thì sau ba năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề trở lại. Tuy nhiên, đa số lái xe sau khi nghỉ việc sẽ "chạy" sang hãng khác xin việc mà không gặp trở ngại gì do hệ thống quản lý giấy phép lái xe hiện nay chưa đáp ứng, lại thiếu lái xe.

“Chứng chỉ hành nghề lái xe taxi trước kia cho Hiệp hội Vận tải cấp, sau đó chuyển về cho doanh nghiệp tự đào tạo và cấp. Thực chất, các hãng taxi không đào tạo cũng có thể cấp chứng chỉ để tạo thuận tiện, nhanh chóng cho các lái xe vào việc. Sở Giao thông, Thanh tra cũng đã kiến nghị việc đào tạo có thể giao cho doanh nghiệp nhưng chương trình đào tạo phải được cơ quan chức năng duyệt nhưng đề xuất này không được tiếp thu,” ông Mạnh thành thật.

Về câu hỏi cơ quan chức năng có tiến hành cấp phép thêm cho doanh nghiệp taxi hoạt động, ông Mạnh khẳng định: “Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội không cấp mới giấy phép taxi nhưng điều này lại tạo lỗ hổng cho một số doanh nghiệp đưa taxi tỉnh ngoài vào hoạt động và đã phát hiện một số trường hợp.”

Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng thừa nhận, Sở Giao thông cũng đã kiến nghị lên Bộ Giao thông nên quy định và “gom” các hãng taxi lại, tối thiểu mỗi đơn vị phải có 100 xe trở lên mới cho phép hoạt động nhưng cũng gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp kinh doanh taxi.

“Nếu cứ để manh mún, mỗi doanh nghiệp chỉ vài chục xe như hiện nay thì rất khó cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý,” ông Mạnh chia sẻ.
 
TheoTTXVN