Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã họp khẩn để kiến nghị lên Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan việc mở lại trạm cân Dầu Giây từ ngày 1-3 và vấn đề lái xe container buộc phải có bằng lái hạng FC.

Không ngăn được xe quá tải

Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội, tuy mới hoạt động nhưng tại trạm cân Dầu Giây đã xuất hiện những khiếm khuyết do máy móc, tổ chức làn xe... dẫn đến không kiểm soát, ngăn chặn được nạn xe chở quá tải. Camera và cân tự động cảm ứng không thể đọc được biển số của các xe quá tải chạy sát nhau và đi vào làn dành cho xe hai bánh. Người trực cân bàn thuộc Cục Đường bộ Việt Nam lại không có thẩm quyền buộc các xe có dấu hiệu quá tải phải vào cân để kiểm tra. CSGT hoặc kiểm soát quân sự có lúc có mặt ở hai đầu trạm, có lúc lại vắng mặt dẫn đến tình trạng lái xe quá tải canh để né tránh.

 
Ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó Chủ tịch hiệp hội, cho rằng việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai với Cục Đường bộ ở hai đầu trạm cân đã biến những nơi này thành “chợ” ngã giá cho các hoạt động tiêu cực như “cò” dẫn xe đi đường khác lách trạm, xe đi vào làn hai bánh trước trạm...
 
“Vì sao CSGT tỉnh Đồng Nai không tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên tuyến quốc lộ 1A và các tuyến đường tránh gần trạm? Phải chăng do có móc nối tiêu cực giữa “cò” và CSGT nên mới có việc trên?” - ông Lự đặt vấn đề.
 
Tại trạm cân Dầu Giây không có kho bãi, phương tiện để chứa, bảo quản các loại hàng hóa nên các loại hàng hóa như rau, củ, quả, hàng dễ đổ vỡ buộc phải hạ tải bị hư hỏng nhanh.
 
 Bà Bùi Thị Ngọc Mai, chủ doanh nghiệp vận tải Ngọc Mai, cho biết xe chở các loại thiết bị, máy móc siêu trường, siêu trọng, nguyên đai, nguyên kiện không thể tháo rời đã được cấp giấy phép lưu hành đặc biệt, chủ xe đã có các biện pháp dàn nhỏ tải trọng trên từng trục xe. Vậy mà khi qua trạm Dầu Giây, các xe này vẫn buộc phải cân và hạ tải là hết sức vô lý.

Đừng đổ lỗi đường hư do xe tải

Theo ông Dinh, việc Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam nại cớ do xe chở quá tải nhiều làm đường hư hỏng, xuống cấp nhanh là không đúng. Trên các tuyến quốc lộ hiện nay, phần lớn cầu, đường đều được đầu tư, nâng cấp theo hình thức BOT. “Chủ xe, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra mua phí cầu đường thì phải được đi trên cầu đường có chất lượng cao. Tiền thu phí phải được tái đầu tư, giữ chất lượng cầu đường chứ không thể đổ lỗi do xe gây ra” - ông Dinh nói.

 
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch hiệp hội, phân tích không doanh nghiệp, chủ xe chân chính nào muốn chở quá tải để xe của mình mau xuống cấp. Việc xe buộc phải chở quá tải là do sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cước giữa một số chủ xe, hãng vận tải với nhau và sự dung túng, trục lợi của các chủ hàng, bến cảng...
 
Theo ông Lự, hiện nay các đầu mối hàng hóa lớn như cảng, bến đều nằm trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT. Bộ GTVT nên ra quy định cấm các cảng, đơn vị xếp hàng hóa lên xe quá tải trọng quy định.
 
Ông Dinh bổ sung các cảng nên căn cứ theo giấy tờ (cạc vẹt, sổ kiểm định) để chất hàng lên xe và kiểm tra nghiêm ngặt tải trọng bằng hệ thống cân ngay trong cảng. Như vậy thì không cần phải lập các trạm cân dọc quốc lộ, vừa tốn kém ngân sách vừa tạo điều kiện phát sinh tiêu cực. Những ngày tới, hiệp hội sẽ chính thức kiến nghị Bộ GTVT bãi bỏ trạm cân Dầu Giây và 13 trạm cân khác sẽ tiếp tục đặt trên các tuyến quốc lộ.
 
 
Theo Pháp luật TPHCM