Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu dành cho ô tô tải loại dưới 5 tấn dự kiến giảm từ 80% xuống còn 30%; loại từ 5-10 tấn giảm từ 55% xuống còn 30%; loại 10-20 tấn từ 30% giảm xuống 25%. Trong khi đó, mức thuế suất 83% áp dụng với ô tô chở người loại 9 chỗ ngồi trở xuống hiện nay dự kiến vẫn giữ nguyên vào năm 2011. Xe 2 cầu sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 83% xuống còn 73%. Xe có dung tích xylanh từ 2.500cc trở lên dự kiến giảm thuế nhập khẩu xuống 77% từ con số 83%. Cuối cùng là xe chở người từ 10 chỗ trở lên (gồm cả xe bus) được giảm thuế từ 83% xuống 70% vào năm 2011.

Chờ mãi vẫn thế

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu cụ thể:

Các loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu thị trường trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ sản xuất trong nước (hàm lượng chế tạo trong nước) đến 40% vào năm 2005; đáp ứng trên 80% nhu cầu thị trường trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 60% vào năm 2010 (riêng động cơ phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 50%, hộp số đạt 90%).
 
img
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, chúng ta đã áp dụng mức thuế rất cao với xe nhập trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa).

Để đạt được mong muốn nước ta có một ngành công nghiệp sản xuất ô tô phát triển, nhiều năm qua chúng ta đã áp dụng mức thuế rất cao, nhằm hạn chế xe nhập khẩu, ưu tiên phát triển sản xuất và lắp ráp xe trong nước với yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá ngày càng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói rằng, dù thuế suất nhập khẩu cao, dù đã có nhiều bảo hộ nhưng chờ mãi thì những mục tiêu đặt ra với ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được. Đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế yếu kém của chương trình nội địa hoá xe ô tô sản xuất trong nước cũng như so sánh những quyền lợi của các doanh nghiệp khác liên quan, ví dụ như doanh nghiệp vận tải.

Phù hợp cho sự phát triển

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhất là người tiêu dùng, đề xuất giảm thuế nhập khẩu ô tô của Bộ Tài chính là phù hợp với tình hình thực tế khách quan tuy có hơi chậm so với yêu cầu đặt ra từ cơ sở phản hồi trong nhiều năm qua trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội.

Những năm qua, chúng ta đã dùng thuế để bảo hộ xe lắp ráp nội địa trong một thời gian quá dài. Mức mức thuế suất nhập khẩu quá cao đã khiến giá xe ô tô ở VN thường đắt gấp 2 đến 3 lần các nước trên thế giới và trong khu vực. Thuế nhập khẩu xe ô tô trong thời gian qua đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải trong đầu tư, mua sắm và đổi mới phương tiện đồng thời làm tăng chi phí vận tải, dẫn đến hạn chế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Vừa qua, nước ta đã ký hiệp định song phương và đa phương với các nước trong khu vực về vận tải đường bộ. Nếu không thay đổi chính sách thuế, các doanh nghiệp của ta sẽ “thua ngay trên sân nhà ” vì giá xe quá cao, tác động trực tiếp vào giá thành. Duy trì chính sách thuế bảo hộ trong thời gian dài vừa qua đã triệt tiêu sự cạnh tranh trong sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cần có lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải ô tô hoạt động và phục vụ nền kinh tế đất nước cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Xét ở góc độ quyền lợi người tiêu dùng và các ngành nghề liên quan, thậm chí cả với chính sự phát triển của ngành ô tô trong nước (ở một góc độ nào đó) là thực sự cần thiết.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp