Cụ thể, xăng A92 tăng giá từ 19.300 đồng lên 21.300 đồng/lít. Dầu diezen có mức tăng cao nhất, 2.800 đồng, lên 21.100 đồng/lít. Dầu hoả tăng 2.600 đồng (từ 18.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít). Mazut tăng 2.000 đồng/kg (từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg).

Đây là quyết định được công bố lúc 20h ngày 29/3 và có hiệu lực thi hành chỉ hai tiếng sau đó. Đây được coi là đợt tăng giá không thể đừng trước sức ép từ thị trường nhiên liệu thế giới.

Nhiều ngày qua, giá xăng dầu thế giới biến động mạnh đồng thời vọt lên mức rất cao trước chiến sự Libya và nguồn cung được dự báo là có thể khan hiếm. Tại thị trường trong nước, Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, nơi cung cấp khoảng 30% lượng hàng, đang trong giai đoạn dừng hoạt động để kiểm tra, bảo dưỡng. Việc dừng hoạt động khiến thị trường thiếu khoảng 400.000 m3 sản phẩm các loại.
 
img
Sau đợt tăng giá gần đây nhất vào ngày 24/2, giá xăng lại đẩy lên mức mới 21.300 đồng/lít (Ảnh minh họa).

Trong 30 ngày qua, giá xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore đã vọt lên mức 118,71 USD/thùng. Các loại dầu dao động quanh ngưỡng 131,6 đến 131,8 USD/thùng. Theo tính toán của các doanh nghiệp, với giá này sau khi cộng thêm các loại phí, họ lỗ gần 2.500 đồng cho mỗi lít xăng. Các loại dầu cũng có mức lỗ tương đương.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, đợt tăng giá này được ban hành căn cứ vào kiến nghị của doanh nghiệp và có sự đồng ý của Thủ tướng.

Trước đó, vào ngày 24/2, giá xăng dầu trong nước cũng đã điều chỉnh với mức tăng kỷ lục 2.900 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định đợt tăng giá đó vẫn chưa đủ bù đắp chi phí và lỗ của doanh nghiệp. Trong khi đó, quỹ bình ổn đã cạn, thuế về 0 và doanh nghiệp không còn đủ sức chịu đựng.

Theo VnExpress