Kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt khoảng 3.810 USD vào năm 2015, sẽ giúp độ phủ sóng ô tô tại Việt Nam có thể vươn lên, đạt 26 xe/1.000 dân vào năm 2015, so với mức 18,7 xe/1.000 dân năm 2010.

Báo cáo Đề tài Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công nghiệp vừa trình Hội đồng Nghiệm thu của Bộ Công thương tuần qua cho hay, xét bao quát trên góc độ tiện dụng, độc lập và chi phí sử dụng, xe hơi vẫn được đánh giá cao từ phía người tiêu dùng.

Năm 2010, với dân số ở mức 86,7 triệu người và thu nhập bình quân đầu người còn khá khiêm tốn là 1.150 USD, Việt Nam vẫn được Ngân hàng Thế giới xem là quốc gia có nhu cầu tiêu dùng lớn trong khối ASEAN.

Một nghiên cứu khác từ Công ty TNS Vietcycle năm 2009 cũng cho hay, tới 45% hộ gia đình có thu nhập 4,5 - 20 triệu đồng/tháng. Cuộc sống sung túc hơn đã khiến không ít người tiêu dùng chi tiền vào ô tô, đặc biệt là lớp người trẻ.
 
img

Theo cách tính thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt khoảng 2.785 USD, thì tỷ lệ 18,7 xe ô tô/1.000 dân ở Việt Nam hiện nay được xem là thấp hơn nhiều so với trung bình các nước có trình độ tương đương. Dĩ nhiên, giá xe cao, thiếu chỗ đỗ xe, chi phí sử dụng xe lớn… cũng là những lý do cản trở sự gia tăng của tỷ lệ sở hữu ô tô trong dân cư.

Các chuyên gia thực hiện Đề tài cũng dự báo, năm 2015, tỷ lệ sở hữu xe hơi tại Việt Nam sẽ là 26 xe/1.000 dân; còn năm 2020 là khoảng 40 xe/1.000 dân và năm 2025 là khoảng 60 xe/1.000 dân.

Dẫu còn rất nhiều cơ hội để gia tăng sản lượng xe tiêu thụ ở Việt Nam, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cao như hiện nay, dù tới năm 2018, khi hoàn thành chương trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ AFTA, giá xe vẫn là chướng ngại lớn với tăng trưởng của thị trường ô tô cá nhân ở Việt Nam. “Chướng ngại này cũng lớn hơn với các loại phí như phí trước bạ, phí cấp biển số, phí cầu đường, điểm đỗ… đang có chiều hướng gia tăng cùng với chủ trương hạn chế gia tăng các phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô con”, Đề án viết.

Theo dự báo được đưa ra bởi Hãng Frost & Sullivan, nhu cầu ô tô của thị trường ô tô khu vực ASEAN vào năm 2018 là 3,962 triệu chiếc; trong đó, Việt Nam sẽ tham gia 10-12% vào thị trường này, tức khoảng 400.000 - 500.000 xe. Đóng góp vào số lượng này của Việt Nam, dòng xe sedan sẽ chiếm 28%, xe đa dụng và xe hai cầu sẽ chiếm 25%, xe tải, xe khách khoảng 40%, còn lại là các loại xe khác.

Nhưng thị trường ô tô cũng sẽ chứng kiến những cạnh tranh gay gắt giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu trong cuộc đua giành thị trường. “Cùng với lộ trình giảm thuế theo CEPT/AFTA, nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ tăng lên, gây sức ép cho xe sản xuất trong nước, không chỉ ở khía cạnh giá, mà còn ở cả việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường”, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách công nghiệp nói.

Hiện tại, năng lực sản xuất ô tô của các doanh nghiệp tại Việt Nam là 431.000 xe/năm, trong khi năm sản xuất nhiều nhất cũng chưa đến 200.000 xe. Chính vì vậy, Báo cáo Đề tài cũng đề nghị tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án lắp ráp ô tô đến năm 2015, trừ dự án sản xuất xe chiến lược. Nhưng cũng cần nói thêm là, không phải hãng xe nào cũng có ý định đầu tư lớn vào Việt Nam tại thời điểm này, nhất là khi các chính sách được đánh giá là chưa có sự ổn định về lâu dài.
 
Theo Đầu tư