Chiều 11/10, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào - quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Tiền.

"Chúng tôi đang điều tra xã hội học toàn bộ hộ dân ở trên các tuyến phố này để giải quyết tất cả nhu cầu, như xe đi thế nào, trẻ em đi học, cấp cứu, cứu hỏa ra sao, đi bộ thì vệ sinh, uống nước ở đâu...", ông Tân nói.
 
Ông Tân cho biết, tuy chưa có điều kiện đánh giá xem việc phân làn có giảm ùn tắc giao thông hay không, nhưng đã giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến, tăng khả năng thông hành của các phương tiện, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Từ 15.10, việc tách dòng theo phương tiện được tiếp tục triển khai trên 8 tuyến phố khác với tổng kinh phí thực hiện là 23,8 tỷ đồng.
 
Theo Phó giám đốc Sở, cơ quan này đang cố gắng cuối tháng 10 trình UBND thành phố đề án tuyến phố đi bộ và dự kiến cấm ôtô, xe máy vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.
 
img
 
Trung Tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố cho biết, rất mong Hà Nội tổ chức một số tuyến phố đi bộ bởi nhiều thành phố lớn trên thế giới đã làm điều này. Đi bộ không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, giảm phương tiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn giúp du khách và người dân có thể tham quan thành phố.

"Hồ Hoàn Kiếm, cá nhân tôi coi đó là một báu vật của thủ đô nên nếu để ôtô, xe máy, xe đạp đi ồn ào như hiện nay, cảnh quan của hồ sẽ không đẹp. Nếu quanh hồ hoàn toàn là tuyến đi bộ để khách trong và ngoài nước đến thủ đô được chiêm ngưỡng cảnh quan thì quá tốt", tướng Nhanh mong mỏi. Cũng theo ông Nhanh, một số tuyến phố cổ nên tổ chức đi bộ để du khách mua hàng, ngắm 36 phố phường.

Hiện, phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội gồm phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, dài chừng một km, mới phục vụ người dân vào các tối cuối tuần. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn, lộn xộn vẫn thường xảy ra trên phố đi bộ vì lượng người đổ về quá đông.
 
Theo Vnexpress