Đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ, tình trạng đồng USD suy yếu dường như lại là một chuyện tốt. Nhờ tỷ giá đồng USD giảm xuống, giá bán của dòng xe nhập khẩu đã đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, từ đó mang về không ít lợi nhuận cho các nhà sản xuất ôtô Mỹ.

Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, trong tháng 8 vừa qua, giá bán trung bình của dòng xe nhập khẩu đã đạt mức cao kỷ lục là 31.536 USD. Trong khi đó, con số tương ứng với dòng xe sản xuất tại Mỹ chỉ dừng ở mức 7.614 USD. Rõ ràng, giữa dòng xe nhập khẩu và sản xuất tại Mỹ tồn tại một khoảng chênh lệch rất lớn.
 
img
Các hãng xe Nhật Bản gặp khó khăn cũng đồng nghĩa với thành công về doanh số bán hàng của dòng ôtô Mỹ.

Không những thế, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản vốn vẫn "làm mưa, làm gió" trên thị trường Mỹ trong suốt nhiều năm vừa qua vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu linh phụ kiện sản xuất. Sau thảm họa kép hồi tháng 3, các hãng ôtô Nhật Bản lớn như Toyota và Honda mới chỉ bắt đầu hồi phục. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ chọn mua sản phẩm của những nhãn hiệu nội địa như General Motors, Ford và Chrysler.

Xu hướng trên càng được thể hiện rõ trong dòng xe giá rẻ. Đây là phân khúc chứng kiến tình trạng kinh doanh không lợi nhuận của các hãng xe Nhật Bản khi tỷ giá đồng Yên tăng cao so với USD. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hãng xe Nhật bị tụt giảm doanh số bán hàng.

"Dòng xe cỡ nhỏ hiện nay rất khó nhập khẩu, đặc biệt là từ Châu Á vì đồng USD bị suy yếu", một chuyên gia kinh tế đến từ hãng bảo hiểm Nationwide Mutual có trụ sở tại Columbus, Ohio, Mỹ, phát biểu.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác đang "chắp cánh" cho doanh số dòng xe cỡ nhỏ của Mỹ. Cụ thể, đó là quyết định giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng dòng sản phẩm của các hãng xe Mỹ so với những đối thủ Nhật Bản. Theo một nghiên cứu của J.D. Power 2009, mức chênh lệch về số lượng lỗi trên xe Toyota, Chevrolet và Ford "thực sự không đáng kể".

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2011, thị phần tại Mỹ của tập đoàn GM đã tăng 20% và Ford 16,7%. Bản thân doanh số bán hàng dòng xe tải hạng nhẹ tại thị trường Mỹ cũng tăng 10% so với năm ngoái.
 
img
Các hãng xe Nhật Bản không thể đưa ra các chương trình khuyến mại để lôi kéo khách hàng.

Lượng xe bán ra thị trường giảm mạnh cộng thêm tỷ giá đồng Yên tăng cao còn khiến các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản không thể đưa ra các chương trình khấu hao hay kích cầu, khuyến mại. Qua đó, các nhãn hiệu Nhật Bản cũng tự đánh mất vũ khí cuối cùng trong nỗ lực giành lại thị trường từ tay những đối thủ Mỹ. IHS cho biết, "khách hàng không nên mong chờ những chương trình khuyến mại hấp dẫn thường thấy" của Toyota và Honda trong thời gian tới.

Theo ông Carlos Ghosn, CEO của Nissan, giải pháp duy nhất mà các hãng xe Nhật Bản nên tính đến là cắt giảm chi phí sản xuất. Honda đã tiên phong với quyết định giảm sản lượng tại Nhật Bản. Trong khi đó, Toyota đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn như tái trang bị dây chuyền lắp ráp cũ, thương lượng với các nhà cung cấp để họ giảm giá linh phụ kiện và lần đầu tiên sản xuất xe hybrid ngoài Nhật Bản.

img
Honda Civic và Toyota Corolla đang dần mất khách trước Chevrolet Cruze.
 
Nếu như các mẫu xe Nhật Bản đang chật vật lấy lại vị trí trên thị trường thì những sản phẩm Mỹ như Chevrolet Cruze lại tiếp tục hưởng lợi. Khó khăn của Toyota Corolla và Honda Civic tại thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với thị phần ngày càng tăng cho Chevrolet Cruze.

Theo Carscoop