Vấn đề giao thông tại các thành phố lớn hiện đang trở thành bài toán nhức nhối đối với không chỉ các ban ngành mà ngay cả với người dân thông thường. Hơn lúc nào hết, người dân đủ thông minh để hiểu rằng mọi chính sách, mọi quyết định đều ảnh hưởng trực tiếp đến họ dù tích cực hay tiêu cực.

Giải pháp 5x5

Đã có nhiều ý kiến được đưa ra, nhiều đề xuất được nhắc tới nhưng đến tận lúc này vẫn chưa có đề xuất nào thực sự có sức thuyết phục.

Cách đây ít lâu, cựu phi công cựu phi công Mai Trọng Tuấn đã đề xuất chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội với việc cấm ô tô cá nhân mỗi ngày 5 giờ và 5 ngày trong tuần tại trung tâm thành phố.

Trong văn bản đề xuất của mình gửi lên UBND Hà Nội, ông Mai Trọng Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Theo đó, việc thực thi sẽ diễn ra theo quy định 5 giờ trong một ngày (giờ cao điểm sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (từ thứ hai đến thứ sáu) không cho xe ôtô cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố. Ông Tuấn cũng khẳng định rằng nguyên nhân gây tắc nghẽn chính là ôtô. Ông cũng cho rằng cấm xe máy là giải pháp không hề hiệu quả bởi lượng ôtô có trong dân rất nhỏ nhưng lại chiếm diện tích lớn.
 
img
Ùn tắc giao thông chính là bài toán khó tìm lời giải.

Trước đề xuất này, UBND thành phố Hà Nội đã giao sở GTVT nghiên cứu báo cáo trước ngày 15/5. Được biết, sở GTVT đã liên hệ trực tiếp với ông Tuấn để làm rõ đề xuất này và báo cáo lên UBND. Sau khi thông tin này được sở GTVT xác nhận ngay lập tức nhiều ý kiến trái chiều đã được đại diện các cơ quan chức năng chia sẻ. Ngay cả những người dân, những người trực tiếp bị ảnh hưởng của đề xuất cũng cất tiếng nói.

Kẻ chê, người ủng hộ

Ngay sau khi đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn được sở GTVT nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Một luồng ý kiến ủng hộ đề xuất của ông và cho rằng ôtô là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Trong khi đó, cũng có những ý kiến cho rằng việc cấm ôtô sẽ khiến Hà Nội tràn ngập xe máy, càng hỗn loạn hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, chia sẻ với báo chí, ông ủng hộ ý kiến của cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Theo chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì đề xuất này hoàn toàn hợp lý vì ôtô chiếm quá nhiều diện tích đỗ xe.
 
img
Việc tắc đường diễn ra như "cơm bữa".

Trao đổi với AutoPro, một độc giả có nickname Nguyenminhnhat, chia sẻ: "Gia đình mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Tuấn. Việt Nam không phải là một nước giàu, cớ sao cứ gồng lên vay nợ làm đường xịn cho một bộ phận có ôtô sử dụng. Hơn nữa, đề xuất này tác động đến chỉ một ít bộ phận dân cư. Cấm xe máy thì là cấm cả thành phố rồi đấy".

Một thành viên khác của diễn đàn Webtretho cũng đã đồng tình ủng hộ đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn. Thành viên này cho biết, đề xuất của ông Tuấn rất đáng thử nghiệm và có hiệu quả đồng thời đảm bảo tính công bằng của xã hội.

Ngược lại với luồng ý kiến này thì khá nhiều người lại cho rằng, đây là một đề xuất không tưởng và làm xã hội đi thụt lùi. Việc phản đối này không chỉ nằm trong bộ phận người dân mà ngay cả đại diện của các ban ngành. Ông Lê Đỗ Mười, trưởng phòng Giao thông Đô thị thuộc Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, đã chia sẻ rằng ông nhận thấy đề xuất này của ông Tuấn là không hiệu quả và không tưởng. Theo ông thì trên thế giới này không có nước nào cấm ôtô cả mà nếu có cấm chỉ áp dụng trên một phạm vi nhỏ chứ không phải thành phố. Ông cũng đề xuất rằng, nên tổ chức thu phí cho ôtô vào nội đô thay vì cấm như đề xuất.
 
img
Chỉ có một điều để nói về giao thông Việt Nam, đó là tắc đường.
 
Một thành viên của diễn đàn Otofun có nickname hardtop chia sẻ: "Hiện nay, việc ùn ứ giao thông thì do phương tiện quá đông, điều này ai cũng biết, nhưng tắc đường thì thường do sự chen lấn của phương tiện 2 bánh, chứ nhìn chung người điều khiển xe ôtô chấp hành luật khá tốt, nhất là "văn hóa xếp hàng". Vậy tại sao xe 2 bánh lại hay chen lấn?"
 
"Theo quan sát của tôi, ngoài việc bản thân cái xe nhỏ gọn dễ lách thì còn nguyên nhân lớn hơn đó là ý thức của người điều khiển nó, nhưng rất tiếc là xã hội chưa làm gì nhiều để giáo dục 95% số người tham gia giao thông này. Điều này thể hiện ở việc dễ dãi trong việc cấp bằng, học luật, cùng "bình đẳng trước luật" nhưng người đăng ký xe 2 bánh chỉ phải học và thi luật bằng 2/3 các loại phương tiện khác. Cùng "bình đẳng trước luật" nhưng người đăng ký xe 4 bánh phải chịu mức phạt gấp 10 lần xe 2 bánh, vậy bình đẳng ở chỗ nào? Hỏi tại sao người dân không nhờn luật? Và có lẽ cũng vì mức phạt cao nên CSGT chỉ chú tâm vào bắt xe 4 bánh vi phạm sao cho nhanh hoàn thành "chỉ tiêu" (500 tỷ) và làm ngơ những vi phạm của 95% số người tham gia giao thông với lý do "lực lượng mỏng". Nếu tôi là CSGT, tôi cũng làm thế. Vậy nên hãy phân bổ 500 tỷ ấy cho đường thủy riêng, đường bộ riêng, ôtô riêng, xe máy riêng... thì mới có ý nghĩa giáo dục đối tượng người tham gia giao thông mà chính quyền cần nhắm tới", thành viên hardtop cho biết thêm.
 
img
Cấm ô tô liệu có phải là một giải pháp hay?

"Nói nhiều vậy làm gì để giảm ùn tắc? Mọi người đã nói quá nhiều rồi, tôi chỉ nói đến việc mà ít người nói đến, đó là cách mà chính quyền dạy người dân việc tuân thủ pháp luật, trong đó có luật giao thông đã hiệu quả chưa, mọi người hãy tự nhìn nhận những điều mà tôi đã nói ở trên mà tự suy", thành viên hardtop kết luận.

Một thành viên khác của Otosaigon có tên VietXuan cũng chia sẻ: "Mình ở tỉnh nên chưa bị ảnh hưởng nhưng cũng quan tâm và cảm nhận được khó khăn nếu cấm như vậy sẽ gây xáo trộn không cần thiết. Kẹt xe, ùn tắc ở hai thành phố lớn vào giờ cao điểm là một thực tế không thể không tìm cách giải quyết, nhưng nóng vội và thiếu suy xét sẽ không giải quyết được hợp lý, hợp tình. Trước mắt chỉ nên tạm thời cấm vài tuyến đường trầm trọng, khuyến nghị người dân ở một số tuyến khác và cũng chỉ một số ngày giờ nhất định. Trong lúc đó phải tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản nền tảng đồng bộ hơn. Thực tế luôn là người thầy tài ba, những ý muốn một đêm sẽ làm thay đổi tất cả chỉ là những phép màu của thần thánh, và những phép màu đó chỉ nên xảy ra ở nơi không phải đời thực".

Suy cho cùng, mọi đề xuất đều có dụng ý tốt đẹp nhằm giải quyết vấn đề giao thông nóng bỏng hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, để bài toán giao thông tìm được một lời giải đúng đắn nhất không phải là chuyện ngày một ngày hai.
 
Hãy chia sẻ với Autopro ý kiến của bạn về đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn!