Chị Thu ở Hào Nam, Hà Nội kể, hai vợ chồng chị chạy ngược chạy xuôi mua xe Toyota Fortuner V, thậm chí chấp nhận trả thêm tiền để được nhận xe sớm với lý do tốn thêm chút ít nhưng lỡ thuế lên. Thế nhưng, vì chậm chân nên chị phải nhận xe sau 1/4 và trả thêm 4.800 USD nữa so với giá ban đầu 41.000 USD.

Chưa kịp hoàn hồn, đùng một cái ngày 17/4 vừa qua, Chính phủ ban hành chính sách kích cầu tiêu dùng, phí trước bạ đối với ôtô được giảm một nửa tức là từ 12% xuống còn 6%. “Chỉ tính mỗi tiền phí trước bạ thôi, chưa đầy một tuần tôi đã bị thiệt tới cả trăm triệu đồng”, chị than thở.

Hồi tháng 3, ông Bằng ở Hà Đông, Hà Nội còn vui mừng vì mình được lọt vào danh sách những khách hàng nhận được xe sớm trước thời điểm thuế tiêu thụ đối với xe hơi mới có hiệu lực từ 1/4. Nhưng rồi, ông lại hụt hẫng khi phí trước bạ bất ngờ giảm một nửa. Chiếc xe Chevrolet Captiva LT bỗng chốc bị đội giá lên vài chục triệu đồng. So với giá tại thời điểm mua xe, ông Bằng tiết kiệm được khoảng 5.000 USD, nhưng nếu tính theo phí trước bạ mới thì ông chỉ tiết kiệm thêm được 2.400 đôla.

Như vậy việc mua xe trước thời điểm thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực, ông Bằng vẫn được lợi khoảng 2.600 USD. “Bực nhất là vợ tôi cứ càu nhàu chuyện tôi đùng đùng đi mua xe. Cô ấy còn dằn giọng rằng các cụ nói giục tốc bất đạt cấm có sai", ông Bằng kể.

Anh Phương ở Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng chạy vạy đủ số tiền hơn 19.000 USD để mua cho được chiếc Kia Morning nhập khẩu. Giờ thì anh tiếc hùi hụi phí trước bạ sắp giảm được một nửa. Như vậy, chỉ có hai tuần mà anh mất toi vài chục triệu đồng.

Trào lưu mua xe chạy thuế rộ lên trong những ngày cuối tháng 3 trước thời điểm Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực. Trong đó, dòng xe đa dụng MPV/SUV chịu ảnh hưởng nặng nhất về thuế có doanh số vọt lên con số 4.301 chiếc, tăng gấp đôi tháng 2 và được coi là chưa từng có trong lịch sử thị trường ôtô Việt Nam. Các dòng xe nhập khẩu trong tháng 3 cũng được tiêu thụ với số lượng lớn chưa từng có kể từ đầu năm.

"Sướng như bán xe chạy thuế" là cảm giác chung của giới buôn xe trước thời điểm các chính sách thuế thay đổi. Thế nhưng Tổng giám đốc một liên doanh ôtô trong nước cũng không nén nổi tiếng thở dài: "Tôi chưa từng thấy nước nào thay đổi thuế ôtô nhanh như Việt Nam".

Chủ một salon ôtô tại Hà Nội thì cho rằng: Các nhà nhập khẩu xe hơi cứ kinh doanh theo kiểu ăn đong - sống hôm nay mà chẳng biết ngày mai. Thuế thì chẳng biết khi nào tăng khi nào hạ, cứ bất thình lình lên - rồi cũng đùng đùng giảm xuống. Và trong mỗi lần điều chỉnh chính sách ấy không chỉ người tiêu dùng mà khối doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở" khi đưa hàng ồ ạt về thị trường mà thuế không chịu lên.

Chiếm số đông trong những người bị ảnh hưởng bởi thuế là khách hàng. Đua nhau mua xe 7 chỗ nhằm tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, họ không đoán trước được ôtô có tới 4 loại thuế và phí. Họ được lợi ở chỗ này thì chưa chắc đã lợi ở chỗ khác.

Có lợi nhất phía sau các chính sách thuế là các hãng xe. Nhờ tiêu thụ đặc biệt mới, họ đẩy được không ít xe 7 chỗ với doanh số gấp nhiều lần bình thường.

Những tưởng sau 1/4, dòng xe 7 chỗ sẽ ế. Nhưng rồi hạ phí trước bạ lại là đòn kích cầu mới. Giúp phần đông thành viên trong VAMA và các đơn vị nhập khẩu sống tốt trong quãng thời gian 6 tháng nữa.
 
Theo Vnexpress