Sẽ bán chạy hơn xe đạp điện

Theo ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): “Sau 5 năm thực hiện chủ trương thay thế tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe tự chế (xe công nông, ba gác, xe thương binh ba bốn bánh), ngoài phương tiện là xe tải nhẹ của Công ty Cổ phần ô tô TMT tương đối phù hợp, còn lại chưa có phương tiện nào thực sự hợp lý để người dân thay thế xe lôi, xe ba bánh, đặc biệt với người dân ở các tỉnh phía Nam. Đây là thực tế và là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân một số địa phương còn sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hữu Dánh - Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết: “Hiện cả nước có 8.995 xe đăng ký là những xe thuộc diện thí điểm chuyển đổi. Số phương tiện này quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân tại các vùng nông thôn, miền núi. Nếu các xe thuộc diện phục vụ cho việc chuyển đổi phù hợp hơn tôi dám chắc sẽ bán nhanh hơn cả xe đạp điện (hiện có hơn 1 triệu xe) bởi đây là nhu cầu thiết thực của người dân”.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay cả nước có 6.017 trên tổng số 15.777 xe được được hỗ trợ thay thế, còn tới 9.760 xe công nông vẫn lén lút hoạt động hoặc chưa được chuyển đổi.

Xe thí điểm cũng mất an toàn

Ông Trần Văn Ơi - Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định cho biết: “Phương tiện thay thế hiện nay chưa phù hợp, chẳng hạn như loại xe có công suất động cơ là 250cc chỉ có thể chạy được ở địa hình đồng bằng. Người nông dân ở các vùng miền núi, đường đèo dốc thì cần các loại phương tiện nhỏ, leo được dốc, có tính cơ động cao, nhà sản xuất lại không đáp ứng được. Để phù hợp với những nơi có địa thế phức tạp thì động cơ phải lớn hơn, hộp số mạnh hơn và giá thành phải phù hợp.

Theo Vụ KHCN (Bộ GTVT), xuất phát từ nhu cầu của người dân cần phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn khi tham gia giao thông để thay thế phương tiện đã bị cấm lưu hành với mức giá đầu tư hợp lý, công năng sử dụng tương đương, năm 2009, Chính phủ đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Phương thí điểm sản xuất, lắp ráp xe 4 bánh có gắn động cơ ở dạng CKD, SKD.

Tuy nhiên, loại xe này không được kiểm định lưu hành và cấp sổ kiểm định nên khi các cá nhân mua về cơi nới thùng thì cơ quan chức năng tại các địa phương không có cơ sở để xử lý hành vi tự ý cải tạo (thay đổi kích thước thùng xe và hệ thống truyền động của phương tiện) gây mất ATGT.

Ông Nguyễn Hữu Dánh cho biết, lực lượng CSGT khi gặp những loại phương tiện này không thể phân biệt được là ô tô hay xe máy, chưa nói chuyện xem nó có đăng ký đăng kiểm hay không.

Nói về nguyên nhân chưa thể kiểm định cho xe Đức Phương, ông Trần Kỳ Hình, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Hiện thế giới không có nơi nào chế tạo các loại xe tương tự. Về thiết kế kỹ thuật, loại xe này không đáp ứng bất cứ tiêu chí cơ bản nào của một chiếc xe ôtô. Cũng chính vì thế, đến nay không có dây chuyền đăng kiểm nào có thể tương thích để thực hiện đăng kiểm”. Cũng theo ông Hình, các xe sản xuất thí điểm này còn phải hoàn thiện thêm thì mới đáp ứng được yêu cầu về an toàn cũng như công năng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ sớm ban hành một quy định về đăng kiểm, tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc đăng kiểm đối với một số loại xe trong diện thay thế cho xe công nông, ba gác. Cần vận dụng các tiêu chí, quy định về an toàn kỹ thuật ở khung thấp nhất có thể để các phương tiện thay thế đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân mà giá bán không quá cao. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục có những hỗ trợ đối với cả nhà sản xuất lẫn người có phương tiện cần chuyển đổi, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sẽ xóa bỏ các loại phương tiện tự chế này.

Theo Giao thông vận tải