Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu và thị trường thương mại tự do, chiến lược phát triển như thế nào để tăng năng lực cạnh tranh sẽ quyết định đến thành công hay thất bại của ngành hàng. Câu chuyện phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam là một trong những ví dụ nổi bật về sai lầm trong chiến lược phát triển.

Mục tiêu khó thành

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam được đặt ra không phải đã quá muộn. Trong dự thảo chiến lược của Bộ Công Thương cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có xác định đây là ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, được tập trung ưu tiên phát triển trong suốt 20 năm qua.

Công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường từ 1997 đến nay, có thể thấy sự vỡ mộng của chiến lược này đang hiện hữu. Bởi, với thảm đỏ đầu tư trải rộng, hàng loạt hãng ô tô đã được cấp phép thành lập liên doanh tại Việt Nam như Fiat, Ssangyong, PMC, BMW, Mazda, GM Daewoo, Daihatsu, Toyota, Honda, Isuzu, Ford, Hino, Mercedes-Benz, Mitsubishi và Suzuki...

Mục tiêu chính sách công nghiệp ô tô khi cấp phép cho nhiều liên doanh nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô tiên tiến, hiện đại vào Việt Nam, nếu các cam kết đều được thực hiện, chỉ sau chưa đầy 20 năm, Việt Nam sẽ làm được những chiếc ô tô có tỉ lệ nội địa hóa đến 60% và sẽ cán đích xe 100% Việt Nam.

Song, sau hơn chục năm, tính chung tỉ lệ nội địa hóa của tất cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vào thời điểm năm 2010 đều không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, dòng xe con dưới 9 chỗ, tỉ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỉ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30% - 40%, trong khi theo quy hoạch là 60%.…

Và, hàng loạt “đại gia” liên doanh ô tô như Toyota, Honda, BMW, Mercedes, Ford… có mặt tại Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là nhập khẩu linh kiện để lắp ráp xe.

Trong khi đó, năm 2018, thời điểm thuế suất nhập khẩu ô tô bằng 0% theo cam kết của tiến trình tự do hóa thương mại ASEAN/AFTA đã cận kề. Áp lực xe ngoại, nhập nguyên chiếc tràn vào đang nhãn tiền. Đã thế, Chính phủ có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, mong muốn người Việt Nam được tăng nhu cầu sử dụng ô tô nhưng lại có hàng loạt chính sách hạn chế sử dụng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ... để không làm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Do đó, kỳ vọng vào một chiếc xe “made in Vietnam” và chuyện người Việt tăng nhu cầu và được đáp ứng nhu cầu dùng xe ô tô trở nên ngày càng xa.

Về kết cục này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho là do sai lầm trong chiến lược. Ông Tuyển cho biết: “Bản thân tôi cũng không hiểu chúng ta muốn gì trong chiến lược công nghiệp ô tô”.

Loay hoay chiến lược

Mặc dù ô tô là sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận cao, lợi thế thị trường đa dạng nhu cầu về các chủng loại xe, ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một sức cạnh tranh nào mới ở mặt hàng này. Không những thế, là nước đi sau hàng chục đến hàng trăm năm, nhưng khi bắt tay xây dựng ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam lại có quan điểm tự sản xuất được chiếc xe hoàn chỉnh của người Việt.

Ông Trương Đình Tuyển phân tích: “Nếu chúng ta muốn phát triển ngành ô tô thì công cụ duy nhất không phải là bảo hộ thuế. Bởi vì đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là đến nơi chi phí sản xuất thấp, chứ không phải đến nơi có hàng rào bảo hộ cao. Cho nên, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải tìm cách để chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam thấp nhất, chứ không phải chúng ta dâng bạt bảo hộ”.

Dưới góc nhìn của người từng nhiều năm đứng đầu Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển nhận thấy chiến lược công nghiệp ô tô còn rất lúng túng. Ông giải thích: Bản thân chính sách bảo hộ ô tô của chúng ta cũng đang bị giằng xé giữa hai yêu cầu: Vừa muốn phát triển ô tô nhưng lại hạn chế ô tô vì hạ tầng giao thông thấp kém.

“Đây là một tư duy ngắn hạn, chúng ta giải quyết phần ngọn mà không phải từ gốc. Đáng lẽ ta giảm bớt đầu tư vào những nơi không hiệu quả và tập trung giải quyết hạ tầng đô thị sớm hơn, từ cách đây 10 năm, thì tình hình có thể khác. Nhưng tiếc là Nhà nước đã rót tiền vào lo làm sân bay, cảng biển… thậm chí đến nay tình trạng này chưa hết” – ông Tuyển nói.

Lấy ví dụ từ câu chuyện từng tham gia bàn thảo với đối tác Nhật Bản về phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kể: Phía Nhật Bản cho rằng Việt Nam có thế mạnh về xe máy, nên phát triển ngành này. Nhưng phía Việt Nam cho là đẳng cấp của xe máy thấp, nhất định phải có ngành ôtô.

Bài học về việc phát triển ngành ô tô dựa vào bảo hộ, ông Võ Trí Thành cho biết cách này đã qua từ rất lâu, đó là ngành ô tô của những năm 1960. Theo ông Thành, ngành ô tô bây giờ muốn phát triển phải có hai điều kiện cơ bản: Chuyển giao công nghệ và lợi thế quy mô.

Lấy ví dụ từ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, ông Thành cho biết: Khi vào WTO, Trung Quốc bị đánh giá là ngành ôtô sẽ phá sản hoàn toàn. Nhưng trên thực tế ngành ôtô của Trung Quốc không phá sản, và thậm chí còn vươn ra thị trường thế giới. Trung Quốc đạt được hai điều quan trọng nhất để phát triển ngành ôtô là: chuyển giao công nghệ và lợi thế quy mô.

Do đó: “Khi thị trường Việt Nam chưa có lợi thế nhờ quy mô, mà chỉ có chuyển giao công nghệ thì hãy nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn ô tô lớn. Như thế sẽ dựa được vào lợi thế quy mô khu vực và toàn cầu của họ”- ông Thành đưa ra giải pháp.

Đồng thời, nếu Việt Nam muốn có lợi thế về quy mô thì thu nhập của người dân phải cao, đường xá phải tốt. Nếu nhìn cả hai góc độ ấy thì ngành ôtô Việt Nam hiện nay còn đang rất loay hoay về mặt chiến lược và tư duy./.

Theo VOV