Đại văn hào Mark Twain đã từng viết rằng có "ba loại nói láo: nói láo, nói láo khốn kiếp và số liệu thống kê". Câu nói của ông tuyệt đối đúng khi dành cho chỉ số tiết kiệm nhiên liệu mà các hãng ô tô công bố.

Sự việc “lập lờ đánh lận con đen” trong quảng cáo của Hyundai về mức tiêu thụ nhiên liệu của mẫu Elantra thời gian vừa qua đã thổi bùng lên ngọn lửa bất bình của công chúng khi ngày ngày phải tiếp nhận những thông tin dối trá từ các nhà sản xuất. Hyundai thì đã bị kiện vì cố tình gây nhầm lẫn về các con số, nhưng các hãng xe khác thì sao? Họ có trong sạch hơn không? Sự thực đã được Paul A. Eisenstein, chủ bút TheDetroitBureau.com vạch trần: không có hãng xe nào không dối trá về mức tiêu thụ nhiên liệu.

Có một thực tế mà bất kỳ người đi xe nào đều biết: con số tiêu thụ nhiên liệu thực tế rất khác với con số mà nhà sản xuất công bố. Nhà sản xuất rất khôn ngoan khi thêm một câu vào quảng cáo của họ “mức tiêu thụ nhiên liệu xe bạn có thể chênh lệch”. Đúng quá, rõ là chệnh lệch chứ. Anh lái xe kém, chân ga không đều, anh chở nặng, đường anh đi chất lượng quá tồi, xăng xe anh dùng bị pha tạp kém chất lượng….Vậy thì làm sao đòi hỏi mức tiêu thụ đạt chuẩn với nhà sản xuất được? Việc ấy có gì phải bàn.

Bởi vậy bấy lâu nay, người mua xe không mấy ý kiến, người mua xe ở Việt Nam hiền lành lại càng không ý kiến. Thôi thì tặc lưỡi, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Vậy là các nhà sản xuất xe tha hồ làm mưa làm gió. Dư luận mới ngã ngửa ra, trước đến giờ mình toàn lao vào những quảng cáo xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, mà không biết rằng đã bị xỏ mũi.

Chúng ta thường căn cứ vào chỉ số tiêu thụ nhiên liệu mà Ủy ban Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA cấp cho mỗi xe mới ra mắt. Cơ quan này sử dụng chuẩn tiêu thụ nhiên liệu trung bình CAFE để đánh giá mỗi xe mới với 3 tiêu chí, nhiên liệu tiêu thụ trên đường đô thị, đường cao tốc và đường hỗn hợp. Sau khi EPA đưa ra một con số, chúng sẽ được đưa lên Monroney sticker dán ở kính cửa sổ xe cho khách hàng tham khảo.

Thực tế, ít ai biết rằng EPA chỉ có 20 nhân viên chịu trách nhiệm test xe, và chỉ khoảng 15% xe mới ra mắt thị trường được kiểm nghiệm trong điều kiện thực. Số còn lại, họ tin vào con số mà nhà sản xuất đưa ra.

Đối với khoảng 15%, tương đương hơn 200 xe “may mắn” được test, tủy ban này sử dụng lực kế và các thiết bị điều khiển bằng máy tính để mô phỏng các thông số như ma sát với mặt đường, lực cản gió…Khi lái trực tiếp, các nhân viên của EPA cũng được đào tạo để theo đúng các chỉ dẫn của máy tính nhằm đảo bảo tốc độ, tăng tốc và phanh hợp lý nhất.

Số liệu ban đầu cũng phải qua tinh chỉnh lại như tính đến việc sử dụng điều hòa và các yếu tố khác.

Việc thích nghi với sự thay đổi công nghệ đến chóng mặt ngày nay cũng phải tính đến. Ví dụ như ngày càng có nhiều xe dùng dẫn động AWD, hay là sự ra đời của kiểu truyền động mới như trên xe hybrid, xe điện. EPA phải liên tục cập nhật và thay đổi mới có thể làm thước đo chính xác.

Con số tiêu thụ nhiên liệu trung bình theo công bố của các xe mới ra mắt tháng 6 tại Mỹ là 29 mpg, tương đương 8,11L/100 km, trong khi con số mà EPA đưa ra là 23,6mpg, tức khoảng 10L/100 km. Như vậy dễ thấy với kiểm nghiệm của EPA, con số trung bình cũng khác tới gần 2L/100 km so với số liệu nhà sản xuất đưa ra.  

Quay trở lại với số liệu “siêu tiết kiệm” của Elantra, với 28 mpg (8,4L/100 km) trong thành phố, 40 mpg (5,88L/100 km) đường cao tốc, công bố tiêu thụ nhiên liệu 5,9L/100 km rõ ràng có sự lập lờ ở đây. Đại diện Hyundai thừa nhận “chúng tôi cũng muốn quảng cáo con số gần đúng nhất với con số mà khách hàng thực tế sẽ trải nghiệm, nhưng làm như vậy chúng tôi sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh.”

Cả thị trường đều như vậy, nếu Hyundai làm khác đi, rõ ràng họ sẽ tự đào hố chôn mình.

Chung quy lại, chỉ có người tiêu dùng bị thiệt nếu họ quá tin vào những quảng cáo và công bố của nhà sản xuất.