Bước lùi của ô tô Việt Nam

Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn chông chênh với vô vàn trở ngại. Quả thật, không phải vô căn cứ mà người ta lo ngại về thị trường ô tô thời gian tới, bởi theo thống kê của Hiệp hội ô tô Việt Nam thì có lẽ nền công nghiệp ô tô Việt Nam đang rơi vào giai đoạn lùi.

Tính từ tháng 1/2012 ttổng sản lượng bán hàng của 17 hãng xe thành viên tháng đầu năm nay đã giảm đến 61% so với tháng liền trước và 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 2/2012, các thành viên VAMA bán được tổng cộng 6.116 chiếc xe các loại, giảm 25% so với cùng kỳ, dù tăng được 43% so với tháng đầu năm. Tháng 3/2012 các nhà sản xuất ôtô trong nước đã bán ra thị trường tổng cộng 7.525 xe các loại, tăng 22% so với tháng liền trước nhưng nếu xét so với cùng kỳ năm ngoái thì doanh số giảm 21%.
 
img
Cựu tổng giám đốc và tân tổng giám đốc (bên phải) trong lễ trao quyền

Tính chung cả quý I/2012, các thành viên VAMA bán được 17.891 chiếc, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua, kể từ năm 2007. Chính vì vậy, nhìn chung thị trường ô tô Việt Nam vẫn phải đang vật lộn trong "cơn bĩ cực" để tìm đường đi cho chính mình.

Theo các chuyên gia kinh tế thì lý do chính của việc kinh doanh giảm một phần lo do tình hình kinh tế khó khăn chung cũng như ảnh hưởng của việc chính thức áp dụng tăng lệ phí trước bạ từ 12% lên 20% tại Hà Nội và từ 10% lên 15% tại TPHCM cũng như tăng phí cấp biển xe ô tô. Theo các hãng xe, khi thị trường còn đang khó khăn bởi kinh tế suy giảm và gánh nặng lệ phí trước bạ thì câu chuyện phí mới lại như một gánh nặng tâm lý cho cả người đang có ô tô cũng như những người có ý định mua ô tô. Dẫu sao, cho tới nay, câu chuyện phí hạn chế phương tiện cá nhân vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ nên việc ảnh hưởng của những quy định này là điều khó tránh khỏi.

Các hãng thi nhau thay giám đốc

Không chấp nhận việc để cho thị trường ô tô nội càng ngày càng lún sâu vào giai đoạn đóng băng, các doanh nghiệp ô tô liên doanh tại Việt Nam đã thay nhau nỗ lực tìm đủ mọi cách để cứu sống chính mình.

Các hãng ô tô liên doanh liên tục nhập về mẫu xe mới mặc cho thị trường ô tô nội vô cùng ế ẩm. Không những thế, các hoạt động khuyến mại, tặng phí trước bạ, giảm giá xe liên tục được giới thiệu.

Cũng nằm trong việc tìm lối đi, các hãng ô tô liên doanh có mặt tại Việt Nam còn rủ nhau thay "tướng". Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế cho biết: " Có thể việc thay các quan chức lãnh đạo vào thời điểm này cũng là ngẫu nhiên, do đúng đơn họ hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường ô tô Việt Nam thì nguyên nhân thay đổi nhân sự ít nhiều cũng có dụng ý muốn mang điều gì mới mẻ đến cho thị trường này."
 
img
Tân TGĐ Mercedes

Các ông lớn đã thay đổi nhân sự tại Việt Nam có thể kể đến như Mercedes, Toyota, Honda...

Khởi động cơ việc thay đổi cơ cấu nhân sự chính là Mercedes Việt Nam. Theo thông báo của đại diện Mercedes Việt Nam thì bắt đầu từ ngày 1/3/2012, cựu tổng giám đốc Udo Loersch đã kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Thay vào đó, ông Michael Behrens sẽ được điều động giữ chức vụ này.

Tập đoàn Mercedes hi vọng, tân tổng giám đốc trẻ trung Michael Behrens mang phong cách khá hiện đại sẽ tiếp nối được những thành công của vị tiến sĩ già vui tính Udo Loersch và phát triển nó.Trong 6 năm làm Tổng GĐ, Tiến sĩ Udo F. Loersch đã đóng góp một vai trò quan trọng vào thành công của Mercedes-Benz Việt Nam, đỉnh cao là năm 2011 vừa qua.
 
img
Tân TGĐ Honda Việt Nam

Cùng chí hướng với Mercedes Việt Nam, Toyota Việt Nam cũng quyết định thay thế tổng giám đốc. Ngày 01/04/2012, Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) đã chính thức giới thiệu Ông Yoshihisa Maruta - Tổng Giám đốc mới của TMV, người kế nhiệm cho ông Akito Tachibana đã kết thúc nhiệm kỳ hơn 3 năm công tác tại Việt Nam kể từ ngày 31/3/2012. Trở thành tân tổng giám đốc mới của Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta đã nói “Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và tôi rất vui khi được làm việc tại đây.  Cá nhân tôi và tất cả thành viên trong đại gia đình TMV sẽ tiếp tục nỗ lực để mang tới cho người tiêu dùng Việt Nam những giá trị Toyota, thông qua việc không ngừng hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm và dịch vụ để mang lại cho khách hàng sự hài lòng và ngày càng nhiều lợi ích thiết thực, để TMV tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xã hội hóa xe hơi ở Việt Nam đi tới thành công”.

Theo chân Mercedes Việt Nam và Toyota, Honda Việt Nam cũng nhanh chóng thay "tướng". Theo thông báo chính thức của Honda Việt Nam, từ ngày 1/4 Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Koji Onishi đã hết nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Cũng theo đại diện của Honda thì người thay thế của ông Koji Onishi là ông Masayuki Igarashi sẽ chính thức nhậm chức và thực hiện nghĩa vụ Tổng giám đốc Honda Việt Nam.

Với tư cách là đương kim Tổng giám đốc của Honda Việt Nam, ông Masayuki Igarashi chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong điều kiện thị trường Việt Nam đang có nhiều biến động.

Dù ít hay nhiều, các hãng ô tô tại Việt Nam đều hi vọng các tân tổng giám đốc sẽ mang đến một luồng gió mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong cơn biến động. Tuuy nhiên, để chiến thắng tại cuộc chơi đầy lực cản như thế này, các tân tổng giám đốc chắn chắn phải luyện cho mình khả năng đối phó được với một thị trường tuy không to nhưng khá quan trọng tại Đông Nam Á.