Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến của phương tiện, ý thức của người tham gia giao thông còn yếu, TNGT đã tăng cao trong nhiều năm qua. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày có 30 người chết vì TNGT và trên 30 người bị thương, hậu quả của nó để lại là gánh nặng cho gia đình người bị nạn và xã hội phải gánh chịu, đồng thời là một lực cản kéo con tàu kinh tế của đất nước chậm lại.

Bằng nhiều giải pháp trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị của đất nước cùng vào cuộc để kiềm chế và giảm thiểu TNGT, tình hình TT ATGT đã có nhiều chuyển biến, nhưng TNGT vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của các vụ TNGT thì có nhiều, nhưng trên 80% là do ý thức của người tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, vi phạm các quy tắc giao thông, trước khi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, không làm chủ tốc độ.

Trong thông điệp đầu năm nay gửi đến nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ đã lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông” đề ra đồng bộ các biện pháp tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.
 
Hiện các cấp, các ngành đang tích cực và quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT nhằm phấn đấu giảm thiểu TNGT từ 5 - 10% theo Nghị quyết của Quốc hội. Một trong các giải pháp đó là tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TT ATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
 
img
 
Để có văn hóa giao thông, điều đầu tiên và cơ bản nhất của người tham gia giao thông là hiểu biết đầy đủ, đúng đắn pháp luật. Người tham gia giao thông có văn hóa là người thực hiện đúng Luật Giao thông, thực hiện tốt mọi quy định dù là nhỏ của Luật, từ cử chỉ, hành động đến thái độ, lời nói và phương tiện đều cần sự chuẩn mực, có văn hóa. Nhà chức trách quản lý điều hành phải thực hiện tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Phương tiện tham gia giao thông, hạ tầng giao thông phải đạt chuẩn. Không những hiểu Luật thật sâu sắc, người tham gia giao thông còn cần biết vận động và hướng dẫn cho nhiều người cùng hiểu và thực hiện đúng Luật. Không chỉ vậy, người tham gia giao thông còn có trách nhiệm và lương tâm cao không chỉ bảo vệ mình mà còn góp phần cứu giúp người khác. Các lực lượng chức năng, những người giám sát và thực thi luật pháp cũng cần nghiêm túc trong chấp hành các quy định giao thông; trong xử phạt người vi phạm. Cần công bằng, khách quan và kiên quyết trong xử phạt người vi phạm.

Trong Hội thảo quốc gia về Văn hóa giao thông, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: “Khái niệm văn hóa giao thông rất rộng, đến nay không phải ai cũng hiểu và nắm rõ. Vì vậy, để nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông thì vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể đặc biệt là các trường học, gia đình trong công tác tuyên truyền giáo dục là đặc biệt quan trọng”. Cũng đồng với quan điểm này, theo Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông thì: “Cần gắn xây dựng văn hóa giao thông với xây dựng nếp sống văn minh bởi cái đích cuối cùng của văn hóa giao thông là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông, từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm cộng đồng”. Muốn có văn hóa giao thông, cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững.

Xã hội hiện đại văn minh đòi hỏi những nguyên tắc và tính kỷ luật cao. Chúng ta đặt ra các quy tắc và phải thực hiện nghiêm túc thì mới được xã hội tôn trọng. Ở một góc nhìn khác, sự văn minh, nền văn hóa của một quốc gia được thể hiện một phần nào đó qua văn hóa giao thông.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia cho rằng, “Gieo hành vi thành thói quen, gieo thói quen thành ý thức”, để xây dựng được văn hóa giao thông thì bên cạnh hoàn thiện thể chế, tổ chức tốt giao thông, thực thi pháp luật thì phải đẩy mạnh giáo dục, mà giáo dục thông qua các hình thức văn học nghệ thuật là cách làm gần gũi, dễ tiếp cận nhất và có sức lan tỏa cao. Do đó, chúng ta đang rất cần các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề này đề công diễn trực tiếp hoặc gián tiếp đến khán giả, nhằm tác động mạnh đến công chúng đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
 
Theo GTVT