Theo thống kê của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, tính từ năm 2011 đến hết năm 2012, cả nước đã có trên 1.400 xe ôtô theo diện là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương được nhập khẩu (NK) vào Việt Nam. Chỉ riêng năm 2012, lượng xe ôtô NK tăng mạnh, cá biệt có một số địa phương ôtô thuộc diện này được NK tăng gấp 10 lần so với các năm trước.

Theo một lãnh đạo Phòng Thu thập và xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan (Phòng 2) - Cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với Việt kiều hồi hương theo quy định tại Điều 3, Thông tư 118/2009/TT-BTC: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương được NK một chiếc xe ô tô cá nhân đang sử dụng, được miễn thuế NK, được miễn thuế GTGT và chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong thực tế, thời gian qua, một số đối tượng trong nước đã móc nối với một số Việt kiều; thuê người giả làm thủ tục hồi hương để mang xe ôtô về Việt Nam hoặc lập hồ sơ giả để được hưởng ưu đãi trong việc NK xe ôtô dành cho đối tượng Việt kiều hồi hương. Nhiều trường hợp ngay sau khi được NK vào Việt Nam, các đối tượng trên đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng; sang tên, chuyển nhượng cho đối tượng khác. Bằng hình thức NK này, các đối tượng đã trốn thuế, gây thất thu nhiều tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú năm 2006: “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.

Tại điểm 2 Điều 6 Thông tư 52/2010/TT-BCA quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú trong nước), kèm theo Giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp; Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam có dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu”.

Tuy nhiên, từ chính sách thông thoáng trên, thời gian qua các đối tượng đã lợi dụng quy định trong việc đăng kí hộ khẩu thường trú để trốn thuế. Cụ thể, lãnh đạo Phòng 2 - Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, các quy định về điều kiện để được cấp phép NK xe ôtô của đối tượng Việt kiều hồi hương là Giấy thông hành hoặc hộ chiếu hồi hương bản sao có công chứng; hộ khẩu... lại không có điều kiện nào quy định cụ thể, rõ ràng về việc Việt kiều có “hồi hương” thực sự hay không?
 
Hơn nữa, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú chỉ cần có dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu là có thể được cấp hộ khẩu thường trú ở bất cứ địa phương nào.
 
Cơ quan Hải quan cũng phát hiện, một số trường hợp, hồ sơ có hộ chiếu Việt Nam, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu vào thời điểm trước khi đối tượng làm thủ tục nhập hộ khẩu tại Việt Nam, đồng thời có dấu kiểm chứng xuất cảnh vào khoảng thời gian ngắn sau đó; hoặc những chứng từ trong bộ hồ sơ, như: giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy đăng ký lưu hành xe, hộ chiếu đều do mỗi tiểu bang của Mỹ cấp với những mẫu khác nhau.
 
Điều này đã gây khó khăn cho hải quan địa phương trong quá trình xác định tính xác thực của các chứng từ này; quê quán một nơi nhưng lại đăng kí nhập hộ khẩu tại một nơi khác dẫn tới tình trạng một người hồi hương làm hộ khẩu tại 2-3 nơi...

Trước tình hình trên, Cục Điều tra chống buôn lậu đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính về tình hình NK “bất thường” xe ôtô của đối tượng Việt kiều, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan địa phương siết chặt khâu cấp giấy phép, trong đó phải thẩm định chặt chẽ đối với hồ sơ xin cấp giấy phép, các hồ sơ không đủ điều kiện kiên quyết không cấp phép NK; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với việc thẩm định cấp giấy phép NK đối với xe ôtô của đối tượng Việt kiều hồi hương; Điều tra, xác minh, làm rõ đối với các trường hợp NK không đủ điều kiện; Kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 118/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cục Điều tra chống buôn lậu cũng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46)- Bộ Công an trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, điều tra, xác minh về các trường hợp NK ôtô “hồi hương” có dấu hiệu sai phạm.

Theo Dân Trí