Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, ngày 6/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành giá xăng dầu theo tinh thần Nghị định 84/CP và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Sau phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã họp ngay với hai bộ để có chỉ đạo cụ thể về cơ chế điều hành giá xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong tháng 2, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Mức tăng trung bình của các mặt hàng xăng dầu là 2-7%, trong đó tăng cao nhất là mặt hàng xăng thành phẩm.

Do giá nhập khẩu tăng, giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành khoảng trên dưới 2.000 đồng/lít (kg), chưa tính phần bù đắp của Quỹ Bình ổn giá. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang ở mức thấp hơn từ 4.000 – 8.000 đồng/lít (kg) so với các nước trong khu vực và các nước có chung đường biên giới, có khả năng làm gia tăng hiện tượng buôn lậu xăng dầu.
 
“Liên bộ Tài chính – Công Thương điều hành giá xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84/CP, có sử dụng công cụ thuế và Quỹ Bình ổn để can thiệp. Nếu sau khi sử dụng các công cụ này mà giá cơ sở vẫn cao hơn giá hiện hành, cơ quan quản lý sẽ  điều chỉnh giá ở mức hợp lý”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói về cơ chế điều hành giá trong thời gian tới.
 
Hiện nay, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng đã lùi về 0%, thuế nhập khẩu dầu còn 3%. Bộ Tài chính cũng cho phép doanh nghiệp được trích Quỹ Bình ổn 1.400 đồng/lít xăng, 1.350 đồng/lít dầu nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, quỹ này đã âm.
 
img
Nhiều cửa hàng đề biển "hết xăng" để chờ tăng giá.

 
Từ đầu tháng 3, trên thị trường đã có hiện tượng nhiều cây xăng đóng cửa hoặc tiết giảm giờ bán hàng để găm hàng chờ tăng giá.
 
Hiện nay, xăng A95 đang được bán lẻ với giá 21.300 đồng/lít. Con số tương ứng với xăng A92 cũng như dầu hỏa là 20.800 đồng/lít và 20.200 đồng/lít.

Theo Người lao động