Sự vươn lên mạnh mẽ của xe Hàn

Đánh giá mới đây nhất của J.D.Power đã nhanh chóng khiến giới chuyên môn lẫn người dùng xe khá bất ngờ. J.D.Power cho rằng các xe HyundaiKia thế hệ mới đã làm nên bước chuyển biến lịch sử trong nền công nghiệp ô tô thế giới. Chất lượng của xe mới ngày một tốt hơn, thậm chí vượt qua các đối thủ đến từ Nhật Bản.

Cụ thể, nghiên cứu chất lượng ban đầu của J.D Power 2015 (2015 J.D. Power Initial Quality study) được thực hiện với 84.000 khách hàng về những vấn đề họ gặp phải trong vòng 90 ngày kể từ ngày mua hoặc mua thuê một mẫu xe mới phiên bản 2015. Những điểm số được ghi nhận tương ứng với những phản ánh về chất lượng trên mỗi 100 xe, số lỗi càng thấp thì chất lượng càng cao.

Thương hiệu Kia lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên vị trí thứ hai về chất lượng trong số 33 thương hiệu ô tô nằm trong diện nghiên cứu, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Hai mẫu xe Kia Soul và Sorento đứng đầu trong phân khúc của mình, trong khi các mẫu xe khác như Rio, Optima, Cadenza, Sportage và Sedona lọt vào top 3 xe tốt nhất trong phân khúc.

Sự thụt lùi của xe Nhật

Bị đánh giá thấp hơn các thương hiệu xe Hàn trong Bảng đánh giá chất lượng ban đầu, và khi tính theo nhóm, các nhà sản xuất ô tô Nhật thậm chí còn bị "qua mặt" bởi các thương hiệu Châu Âu. Các nhãn hiệu xe hơi Mỹ và Nhật đều có số điểm chất lượng dưới mức trung bình của toàn ngành.

Renee Stephens, phó giám đốc mảng đánh giá chất lượng ô tô của J.D.Power Mỹ nhận định: "Đây là một bước chuyển biến rõ ràng về chất lượng khi mà trong rất nhiều năm, các thương hiệu Nhật Bản luôn được đánh giá tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực chất lượng ô tô."

Mặc dù các nhà sản xuất xe Nhật Bản vẫn liên tục cải thiện chất lượng xe, tuy nhiên, họ đã không bắt kịp tốc độ phát triển và cải tiến của các hãng khác.

Các nhãn hiệu xe Hàn Quốc có mức điểm trung bình là 90 lỗi/100 xe. Các xe châu Âu 113 lỗi, con số của xe Nhật và Mỹ là bằng nhau, 114 lỗi/100 xe. Số điểm trung bình của toàn ngành là 112.

Tính riêng từng thương hiệu, Porsche xếp hạng cao nhất trong 3 năm liên tiếp, với điểm số 80/100. Tiếp sau Porsche là Kia (86), Jaguar (93), Hyundai (95) và Infiniti (97). Cũng nằm trong top 10 thương hiệu xe đạt chất lượng tốt nhất theo đánh giá của J.D.Power là BMW (99); Chevrolet (101); Lincoln (103) và Lexus/Toyota (104).

Trong số các vấn đề mà người dùng than phiền, công nghệ là vấn đề lớn nhất, đặc biệt là công nghệ nhận diện giọng nói và kết nối Bluetooth.

Ông Stephen cho biết: "Điện thoại smartphone đã thiết lập một chuẩn mực trong đầu người dùng rằng công nghệ cao phải đạt đến tiêu chuẩn nào, các nhà sản xuất xe hơi đang phải phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn đó trong các mẫu xe của mình."

Đánh giá chất lượng ban đầu và Đánh giá chất lượng dài hạn

Tuy thất bại trong đánh giá chất lượng ban đầu, nhưng trước đó, ở bài đánh giá chất lượng dài hạn cũng được tiến hành bởi J.D.Power, các xe Nhật vẫn có kết quả rất tốt.

Đầu năm nay, J.D.Power đưa ra bản đánh giá dài hạn về những vấn đề mà lái xe gặp phải sau 3 năm sở hữu xe. Theo nghiên cứu đó, các nhãn hiệu Lexus, Buick, Toyota, Cadillac, Honda và Porsche đứng ở đầu bảng về chất lượng.

Lý giải về kết quả khá mẫu thuẫn này, John Humphrey, phó chủ tịch và giám đốc điều hành mảng xe hơi của J.D.Power toàn cầu cho biết: "Nghiên cứu ngắn hạn tập trung vào những khía cạnh như các vấn đề về công nghệ, điện tử và cả thiết kế khiến cho nhiều chức năng của xe gây khó khăn cho người dùng trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, nghiên cứu dài hạn chỉ ra các vấn đề cốt lõi hơn về lâu về dài trong quá trình dùng xe."

Bên cạnh đó, J.D.Power cho rằng vẫn có sự tương quan trong hai kết quả nghiên cứu có phần trái ngược này.

"Nếu khởi điểm không tốt ở bài đánh giá chất lượng ban đầu, thì đến bài đánh giá chất lượng dài hạn, chiếc xe đó không thể có kết quả tốt", ông Humphrey nói.

Do vậy, xe Nhật còn có thể trông chờ vào độ tin cậy và sự bền bỉ trong quá trình sử dụng lâu dài, vốn là lợi thế bấy lâu nay của họ.