Mới đây, trên diễn đàn của cộng đồng yêu thích xe hơi Otofun, một thành viên đã chia sẻ câu chuyện rằng anh đã không được cảnh sát giao thông (CSGT) chấp nhận khi dùng 'giấy lưu hành xe ô tô', có chứng nhận của ngân hàng, thay cho giấy tờ gốc đăng ký ô tô. Kết quả anh đã bị CSGT của một tỉnh xử phạt.

Nguồn cơn sự việc là vì anh này đã vay trả góp ngân hàng để mua ô tô. Thông thường, khi vay mua ô tô trả góp, ngân hàng sẽ giữ bản gốc giấy tờ xe, vì người vay sẽ thế chấp bằng chính giấy tờ gốc của xe, và chỉ cấp "giấy lưu hành xe" tạm thời cho người vay. Chỉ khi việc trả nợ được hoàn thành, ngân hàng mới cấp lại cho người vay tiền giấy tờ gốc của xe.

Trong bài viết trên diễn đàn, thành viên này đưa ra câu hỏi: “CSGT đã làm đúng hay sai? Hay là ngân hàng đã sai khi không nhắc gì đến giấy tờ gốc trong hợp đồng với người vay mua xe ?"

Câu chuyện trên đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận, bởi việc 'vay trả góp ngân hàng để mua ô tô' đã là hình thức mua xe quá phổ biến hiện nay của người Việt.

Nhiều người "chột dạ" rằng chiếc ô tô mình đang có cũng là từ vay trả góp, mình cũng đang chỉ có 'giấy lưu hành xe' chứ không hề có giấy tờ gốc, vậy bây giờ ra đường liệu có bị CSGT phạt không?

Nhớ mang giấy tờ gốc

Mới đây, nhân câu chuyện này, luật sư Bùi Đình Ứng, trực thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội và là Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ quan điểm rằng CSGT làm như vậy là hoàn toàn chính xác. Lý lẽ đơn giản là nếu xe ô tô nếu thiếu giấy tờ gốc thì sẽ không thể tham gia giao thông.

Lỗi là ở người tham gia giao thông khi không nắm rõ luật và không cầm về giấy tờ gốc của xe. Thực ra, khi đi vay, người vay hoàn toàn có thể thỏa thuận với ngân hàng rằng mình sẽ người cầm giấy tờ gốc. “Giữa ngân hàng và khách hàng có thể đi đến thỏa thuận không cầm đăng ký xe để người dân tham gia giao thông tham gia bình thường”- Luật sư Ứng chia sẻ.

Điều này cũng được ghi rõ trong luật. Cụ thể, Điều 9 của Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm cũng quy định "bổ sung Điều 20a về Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp" quy định như sau:

9. Bổ sung Điều 20a như sau:

"Điều 20a. Giữ giấy tờ về tài sản thế chấp

Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực".

Như vậy về mặt quy định, ngân hàng sẽ không được giữ Giấy đăng ký phương tiện giao thông của khách hàng.

Vì thế, nếu bạn đang vay trả góp để mua xe, hoặc đang có ý định vay trả góp để mua xe thì hãy chú ý tới chi tiết nhỏ này: Thỏa thuận với ngân hàng rằng 'tôi sẽ cầm giấy tờ gốc của xe'. Có được điều này, bạn sẽ tránh bị CSGT phạt oan những lỗi phạt không đáng có.

Quay trở về với câu chuyện của thành viên trên diễn đàn trên thì sau nhiều phản ánh của người dân, Cục CSGT cuối cùng đã vừa có văn bản số 2916/C67-P9 khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác.

Theo nội dung văn bản này thì “Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tin quan trọng người mua ô tô trả góp cần phải biết: Thiếu giấy tờ gốc đăng ký xe, khi lưu thông trên đường sẽ bị CSGT xử phạt - Ảnh 2.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc thế chấp tài sản: Bên thế chấp giữ được bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Thông tin quan trọng người mua ô tô trả góp cần phải biết: Thiếu giấy tờ gốc đăng ký xe, khi lưu thông trên đường sẽ bị CSGT xử phạt - Ảnh 3.

Như vậy, cả 2 văn bản của Cục CSGT và Ngân hàng Nhà nước đều trùng khớp nhau. Vì vậy khi vay trả góp để mua ô tô, quyền của bạn là thỏa thuận với ngân hàng để mình được cầm giấy tờ gốc. Nếu không giữ giấy tờ gốc trong trường hợp bạn bị CSGT phạt là điều đương nhiên.