Kẻ tội đồ

“Dưới góc độ nào đó tôi là… tội đồ”, cựu tổng giám đốc Mai Linh Taxi Trần Bằng Việt thừa nhận về cuộc chiến taxi đang hết sức nóng giữa taxi truyền thống và các hãng công nghệ như Uber và Grab. “Là một trong những người đưa Grab vào Việt Nam từ khi là MYTEKSI (Malaysia), một người bạn chia sẻ có sản phẩm mới ở Malaysia rất thành công, rủ tôi đầu tư chung và trực tiếp điều hành tại Việt Nam. Tôi phân tích, thấy đây thực sự là cuộc cách mạng”.

Biết thế, vậy mà, ông Việt thừa nhận mình hẳn còn “nặng lòng với Mai Linh quá”. Vậy là, thay vì đưa Grab về, Việt nói chuyện với Mai Linh và một số hãng taxi truyền thống,“chia sẻ để họ vào làm chung, thuê nền tảng công nghệ đó”. “Nếu làm vậy chắc Grab đã không bùng nổ ở Việt Nam và hiệu quả taxi truyền thống chắc cao hơn. Nhưng trong chuyện này Mai Linh có phần tự tin quá. Họ nghĩ mình tự làm được, ngon quá sao phải chia phần?”

Vị cựu tổng giám đốc Mai Linh Taxi phân tích rằng trong thời gian qua Grab thành công được là nhờ ba yếu tố: công nghệ và hiệu quả điều hành hơn hẳn mang lại 82% đoạn đường có khách. “Grab thành công là vì cực kỳ linh hoạt, không chỉ thích ứng thành công, mà còn dẫn dắt thị trường rất đặc thù địa phương. GrabTaxi không thành công lắm, nhưng nhờ GrabBike, GrabCar nên rất hiệu quả”. “Nói thẳng thắn nếu Mai Linh, Vinasun tiếp cận với công nghệ của Uber, Grab từ năm 2012 đến giờ thì chắc chắn sẽ thắng. Nhưng rất tiếc từ đó đến nay Mai Linh và Vinasun vẫn sống với tâm thế mình “đang tốt”, chẳng đầu tư và thay đổi”.

Theo ông Việt, khi vào Việt Nam, Grab đã thường thay đổi mô hình cho phù hợp, trong khi Mai Linh và Vinasun vẫn hoài như cũ. Một điều đáng nói là hãng đánh vào nhu cầu muốn có tiền nhanh của người Việt. “Gặp thời xe rẻ, giai đoạn chứng khoán rớt, ngân hàng rớt, đầu tư xe một tháng tiền lời nhiều hơn gửi ngân hàng một năm. Hàng loạt người đầu tư hàng chục xe, ăn chia với họ, làm cho Grab (và Uber) bùng nổ. Giai đoạn đầu Uber vượt trội, vì không dính với taxi, đánh vào phân khúc xe riêng, xe cá nhân. Lúc này Grab còn nhem nhuốc vì còn dính với taxi. Tuy nhiên Uber là công ty Mỹ, cứng nhắc theo chính sách chung toàn cầu. Trong khi đó Grab là công ty châu Á biết “nhập gia tuỳ tục”.

Duyên may

Cái duyên đến với ngành taxi là khi Việt giúp cho công ty TMA Solutions lấy được một chứng chỉ quan trọng cho ngành gia công phần mềm để chinh phục thế giới. Nhưng khi đó, ông Việt nhận thấy TMA không có ý định cổ phần hoá và mình khó có cơ hội phát triển lên thêm.

Đúng lúc đó, ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT Taxi Mai Linh, người biết đến anh qua dự án Tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài của báo Tuổi Trẻ, đã rủ Việt về Mai Linh. Lúc này, Mai Linh vừa cổ phần hoá xong, cổ phiếu đang rất nóng, “nghe đồn thặng dư đến hàng ngàn tỷ”, như vậy sẽ có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm mô hình quản trị mới. Nóng thế mà Việt cũng phải mất sáu tháng suy nghĩ mới quyết định về Mai Linh, đảm trách mảng công nghệ thông tin và truyền thông.

Được giao kinh phí 168 tỷ, tương đương 10 triệu USD khi đó, để tái cấu trúc lại nhóm công ty CNTT và truyền thông, ông nghĩ đó là cách lập nghiệp ít rủi ro, dựa trên hệ thống, có nguồn lực ban đầu, nếu làm tốt được mua cổ phần, làm chủ doanh nghiệp, nên cảm thấy háo hức. Nhưng nhanh chóng ông thấy rất rõ thương hiệu Mai Linh tốt và thân thiện, nhưng không phù hợp với công nghệ cao vì quá gắn liền với đối tượng lao động phổ thông. Lĩnh vực duy nhất có ưu thế là phần mềm cho ngành GTVT, nhưng vì Mai Linh là “tay chơi lớn” nên đâu ai dám dùng? Mà làm trong nội bộ thì không đáng.

Thêm vào đó, sau mấy tháng, ông Việt nhận thấy Mai Linh đầu tư nhiều lĩnh vực, có dấu hiệu hết tiền. Và rồi đến tháng thứ 4… phải mang tiền nhà vào để “trả lương cho anh em”. Viết đơn xin nghỉ, nhưng ông Hồ Huy không chịu mà lại giao cho trọng trách lớn hơn: tổng giám đốc Mai Linh Taxi. Trước đây mình chỉ giỏi chuyên môn, bây giờ ông phải quản trị dòng tiền, quản trị nhân sự, tinh thần đội nhóm… Mấu chốt ngành taxi là chất lượng lái xe, có tiền lập tức đầu tư mua xe mới để phát triển. Thế là Việt học về tài chính, biết cách làm tài chính, làm việc với ngân hàng… ông kể, khi trình bày nhiều dự định nâng cao hiệu quả hệ thống đòi hỏi đầu tư, ông Hồ Huy nói: “Có tiền làm được thì bình thường, không có tiền mà làm được mới là doanh nhân chứ!”

30 tuổi, đang làm gia công phần mềm, bước vào ngành taxi không dễ. Tuy nhiên, nhờ hệ thống có sẵn, biết duy trì và cải tiến, biết dùng người, nên xe cứ chạy, tiền cứ về. Nhưng đến giai đoạn đối thủ Vinasun bùng lên thì Mai Linh vô cùng vất vả. Ban ngày Mai Linh làm chủ thị trường, 80% điểm đỗ là của Mai Linh. Vinasun ra sau, ông chủ vốn xuất phát từ ngành kinh doanh nhà hàng, nên rất hiểu đặc thù đó, thay vì tấn công trực diện ban ngày thì hãng này tập trung vào ngách chạy buổi tối, quan hệ rất tốt với nhà hàng, vũ trường, buổi tối chạy rất hiệu quả. Hai hãng chia nhau thị trường một cách hoà thuận.

Đến thời điểm 2008, giá dầu dựng ngược lên, thuế trước bạ, xe cộ, lãi suất ngân hàng từ 8 – 9% lên 24 – 25%… tất cả yếu tố dầu vào đều tăng, muốn hút được lái xe, đơn vị ra sau phải buộc trả cho lái xe cao hơn… Mai Linh và Vinasun buộc phải cọ xát, “chiến” nhau trực tiếp. Nhiều ngày liên tục, ông kể, “phải thức dậy từ 4 giờ sáng, và về đến nhà lúc… 2-3 giờ sáng hôm sau!”. “4 giờ sáng tôi phải ra bãi giao ca nào đó, nơi đặc trưng của taxi. Đây là lúc lái xe ca trước giao cho lái xe ca sau, nên được tiếp xúc hai ca lái xe, hiểu được thị trường, tâm lý lái xe”. Mỗi buổi ra ba bốn bãi giao ca, về ăn sáng nhẹ 7 giờ 45 họp với anh em. Chiều 5h45 học MBA, 9h15 giờ đêm ăn tối rồi cùng anh em đi các tụ điểm, nhà hàng, thuyết phục họ cho mình lấy khách. “Thế giới về đêm của Sài Gòn phức tạp lắm, để lấy được một điểm mất từ một tuần đến mười ngày”, ông nói.

Tiếp đến là giải quyết dòng tiền. “Tiền kẹt lắm, xe chạy nguyên ngày dòng tiền về không đủ đổ xăng, tiền ngân hàng bị “gí” liên tục, vì Mai Linh chủ yếu dùng tiền vay, 70% của ngân hàng, 30% là vốn của nhà đầu tư cá nhân. Vay cá nhân phải trả lãi gấp đôi, gấp rưỡi. 100% đều vay hết, số tiền phải trả lãi cao cỡ nào. Sau đó thị trường chứng khoán đổ vỡ. Vay đầu này trả đầu kia, thế chấp cả dòng tiền sẽ hình thành trong tương lai để vay trả nợ, giật gấu vá vai rất vất vả. Vậy mà chúng tôi cũng chèo chống được, bên cạnh đó thống nhất một màu sơn, thống nhất đầu số 38383838 chuẩn bị nhiều nền tảng cho tương lai”.

Và sự lựa chọn

Năm 2009, ông Việt lập gia đình, lúc này “mới thấy mình… ích kỷ quá” vì không còn thời gian cho gia đình. Vậy là, suy tính, mất khá nhiều tiền cổ phiếu, nhưng quyết dừng cuộc chơi để làm chuyện khác đơn giản hơn, “vì gia đình”.

Mất bảy tháng để chuyển giao công việc ở Mai Linh, nghỉ ngơi, rồi ba tháng sau lập công ty Đông A về công nghệ thông tin, cung cấp phần cứng và phần mềm cho ngành thiết kế vi mạch. Nhưng thời gian còn khá dư dả. Thế là ông nhận lời một người chị để về L&A, một công ty tư vấn lớn ở Việt Nam, ban đầu cộng tác, sau làm phó tổng giám đốc điều hành. Một tuần bốn ngày làm việc ở L&A, tham gia các dự án tư vấn, “chắc nhờ cái duyên của mình, sau đó khách hàng nào cũng thành công”. Trong thời gian đó ông cũng đầu tư và tham gia HĐQT bốn công ty. L&A sau đó được tập đoàn Dream Incubator (DI) của Nhật mua lại với giá tốt. “Dù mình rất trung thành, nhưng thôi cũng rút dần, chỉ giữ lại một chút cổ phần làm kỷ niệm thôi”, ông cho biết.

Liệu ông có định khởi nghiệp một lần nữa? “Tôi không khởi nghiệp, mà làm tốt vai trò của mình thôi, chứ không ảo tưởng, đột phá gì cả. Tôi không đủ mạo hiểm để bỏ đi hết, làm lại một cái gì. Thời rời Mai Linh cũng vậy, tôi ra đi mà không có sự chuẩn bị trước cho mình. Không lo gì cả, vì trong trường hợp xấu nhất, thì tìm công việc lương 5.000 – 7.000 USD bất kỳ lúc nào cũng có. Bây giờ tôi sống bằng đầu tư, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội qua đào tạo và tư vấn. Giấc mơ của tôi vẫn là làm việc tốt, không phải làm nhiều tiền. Khởi nghiệp là đánh đổi, nhưng lần đầu tiên tôi đánh đổi là chọn gia đình chứ có chọn sự nghiệp đâu”.

“Chuyện gì xảy ra nếu Vinasun không dùng đồng hồ taxi nữa? Mỗi lần xăng lên xuống thay đổi đồng hồ mất vài trăm ngàn/xe, có năm xăng lên xuống giá 26 lần, tốn biết bao nhiêu tiền?

Cần thay đổi cách điều hành xe hiện tại. Điều hành trực tuyến sẽ rất hiệu quả. Chưa kể tiết kiệm nhiều tiền thuê giải tần bộ đàm, trạm tiếp sóng rồi bộ phận tổng đài.

Quay lại hiệu quả, nếu Vinasun và Mai Linh quyết liệt thay đổi sẽ hiệu quả hơn nhiều. Chuyện nữa Vinasun đang bị, đó là vấn đề sở hữu xe… Liệu Vinasun và Mai Linh có dũng khí bắt tay với nhau không? Đây là cơ hội để minh bạch, nếu không thay đổi, trong ba năm sẽ lay lắt. Anh Đặng Phước Thành, chủ tịch HĐQT Vinasun có nhiều nỗ lực đó, nhưng vẫn chưa quyết liệt đến mức cần thiết: anh có dám tái khởi nghiệp một lần nữa không? Kể cả có tinh thần, quyết tâm, thì có năng lực hay không?

Tôi đang rất quan tâm, vì rất ít có cơ hội để học những điều này ở Việt Nam”.

Trần Bằng Việt

Theo Hương Xuân

Thế giới Tiếp thị