Một ngày trên đường phố năm 1940, kỹ sư Ralph Teetor ngồi ở vị trí ghế hành khách cùng với luật sư sáng chế của mình. Khi họ đi ngược, Teetor chợt nhận thấy người lái xe tăng tốc và giảm tốc khi nói chuyện. Ngay thời khắc đó, ông muốn khắc phục chút phiền phức này. Và với năng lực của một kỹ sư, ông đã làm được điều đó. Năm 1950, Teetor nhận bằng sáng chế đầu tiên cho thiết bị điều khiển hành trình (cruise control).

Có lẽ điều thú vị nhất trong sáng chế của Teetor là mọi chi tiết của bản thiết kế đều được ông vẽ ra trong đầu bởi ông không thể nhìn thấy bất cứ bản phác thảo nào. Lý do rất đơn giản: Teetor bị khiếm thị từ lúc 5 tuổi, song điều đó không thể ngăn ông tạo ấn tượng cho những người xung quanh từ khi còn ít tuổi. Những kỹ năng về sử dụng công cụ của ông thuần thục đến mức vào năm ông 10 tuổi, cha ông đã xây cho ông một xưởng riêng. Sau đó Teetor đã hỗ trợ việc xây dựng và lắp đặt cửa gôn bóng rổ tại trường học.


Hệ thống điều khiển hành trình được sáng chế bởi một người đàn ông khiếm thị mang tên Ralph Teetor (áo sơ mi trắng trong ảnh).

Hệ thống điều khiển hành trình được sáng chế bởi một người đàn ông khiếm thị mang tên Ralph Teetor (áo sơ mi trắng trong ảnh).

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Teetor quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, điều đó thực sự không dễ dàng với một người như ông. Trong cuốn How Engineers Create the World: The Public Radio Commentaries, tác giả Bill Hammack đã viết:

“… vì năm 1906 không tươi sáng như ngày hôm nay, nhiều trường học đã từ chối việc xem xét đơn của Teetor. Ông có một người bà con theo học tại Đại học Pennsylvania. Vì thế, Ralph đã tới thăm trường và thuyết phục Hiệu trưởng kỹ thuật nhận ông vào học. Teetor đạt kết quả xuất sắc trong chương trình kỹ sư cơ khí và khi tốt nghiệp đã trở thành một nhà sáng chế.

Sự lựa chọn của ông hiệu trưởng được chứng minh là sáng suốt bởi Teetor liên tục sáng tạo ra những phiên bản khóa, cần câu và thậm chí cả hộp số tự động. Trên thực tê,s một trong những phất minh nổi tiếng khởi nguồn từ khối óc tài năng của ông là hệ thống điều khiển hành trình.

Trong những năm đầu, hệ thống này của Teetor có khá nhiều tên gọi. Theo trang about.com, Teetor đã gọi hệ thống này là “Controlmatic,” “Touchomatic,” “Pressomatic” và “Speedostat” trước khi đến với cái tên chính thức là “Cruise Control”.

Tuy nhiên Teetor lại không phải là người đầu tiên vận dụng hệ thống kiểm soát tốc độ cho một động cơ, và động cơ xe hơi cũng không phải là thứ đầu tiên áp dụng hệ thống đó. Mặc dù vậy, Teetor thực sự đã mở lối để đưa việc cài đặt tốc độ thiết lập sẵn vào ngành công nghiệp xe hơi. Chrysler đã áp dụng hệ thống của ông năm 1958 và theo sau là nhiều hãng sản xuất xe hơi lớn vào những năm 1960.


Biểu tượng của hệ thống Cruise Control trên xe hơi.

Biểu tượng của hệ thống Cruise Control trên xe hơi.

Ngày nay, khó có thể tưởng tượng một hành trình suôn sẻ bằng xe hơi trên đường mà không có hệ thống điều khiển hành trình. Đó là lý do chính ta phải cảm ơn một người đàn ông đã không thể nhìn thấy quả ngọt của những nỗ lực lao động của mình mà chỉ có thể cảm nhận.

Teetor có một quan điểm rất riêng về khả năng lao động của mình. Trong cuốn How Engineers Create the World (Kỹ sư sáng tạo ra thế giới như thế nào) có viết:

Một trong những kỹ sư đã làm việc với ông để tạo ra thiết bị điều khiển hành trình đầu tiên đã hỏi “Sau tất cả những gì ông đã đạt được, ông nghĩ mình còn làm được những gì nữa nếu ông có thể nhìn thấy?” Ralph trả lời với một nụ cười, “Có lẽ tôi không thể làm được nhiều, bởi tôi có thể tập trung vào chỉ một thứ, còn anh thì không.”

Ngọc Hòa