Thị trường ô tô Việt Nam đang có sự dịch chuyển lớn khi Toyota không còn giữ được nhiều vị trí độc tôn như trước đây.

Xét riêng ở phân khúc sedan hạng B, Toyota Vios không có đối thủ về mặt doanh số. Xe bán ra trung bình 1.000 xe/tháng. Còn mẫu xếp gần nhất bên dưới là Honda City chỉ bán ra khoảng 400 xe/tháng. Tuy nhiên, xét trên toàn thị trường, Toyota Vios đã đánh mất vị trí xe bán chạy nhất VAMA vào tay Ford Ranger.


Vua xe bán chạy một thời trong khối VAMA.

"Vua xe bán chạy" một thời trong "khối" VAMA.

Phân khúc sedan hạng C còn chứng kiến sự hụt hơi rõ rệt hơn của Toyota. Mẫu xe “tham chiến” ở phân khúc này là Corolla Altis đã mất đi tới một nửa lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm nay khi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó khiến Toyota Corolla Altis không những mất đi ngôi vương vào tay Mazda3 mà còn bị tụt lại phía sau, xếp dưới cả Kia Cerato (Kia K3 cũ). Giờ đây, Toyota Corolla Altis phải chịu cảnh cạnh tranh doanh số với Chevrolet Cruze.

Phân khúc sedan hạng D vẫn là sân chơi an toàn nhất của Toyota khi Camry ít khi để các đối thủ như Mazda6 hay Honda Accord vượt mặt. Song, đã có không ít tháng trong thời gian gần đây, Toyota Camry bị bật khỏi top 10 xe bán chạy. Lượng tiêu thụ đủ giúp xe đứng đầu phân khúc nhưng không đủ khi có thể cạnh tranh trên toàn thị trường.

Giờ đây, Toyota chỉ còn 2 phân khúc giữ được sự độc tôn là MPV 7 chỗ với Toyota Innova và SUV 7 chỗ với Toyota Fortuner. Đây là hai mẫu xe thường xuyên góp mặt tại top 5 xe bán chạy hàng tháng với lượng tiêu thụ khoảng 1.000 xe/tháng.


Trong phân khúc SUV 7 chỗ, Toyota Fortuner vẫn đứng đầu về doanh số bất chấp biệt danh Vua lật.

Trong phân khúc SUV 7 chỗ, Toyota Fortuner vẫn đứng đầu về doanh số bất chấp biệt danh "Vua lật".

Tính chung, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Toyota vẫn xếp đầu về thị phần khi so với các thương hiệu ô tô khác tại Việt Nam. Cụ thể, Toyota Việt Nam bán ra 24.854 xe trong nửa đầu năm 2016, tương ứng 20,1% thị phần. Kết quả này gấp đôi thương hiệu có thị phần gần sát nhất là Mazda với 11,4%. Ford đứng thứ 3 với kết quả sít sao là 11%, tương ứng 13.616 xe.

Kết quả chung có thể vẫn khiến liên doanh Nhật Bản an lòng bởi khó có thương hiệu ô tô nào có thể soán ngôi Toyota trong tương lai gần. Tuy nhiên, ở từng phân khúc riêng lẻ, Toyota đang cho thấy sự xuống sức về mặt bán hàng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thị phần của Toyota rất có thể sẽ bị thu hẹp khi cả Mazda và Ford đều đang có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 73% và 52% - lớn hơn rất nhiều con số 8% của Toyota.