Tính đến cuối tháng 3, gần như 100% các nhà máy xe đặt tại châu Âu đã tạm thời đóng cửa, tình cảnh tại Bắc Mỹ cũng không khá khẩm hơn là bao. Các hãng xe Italia sẽ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi chính phủ ra lệnh cấm mở cửa nhà máy (thay vì chỉ cấm người dân, khuyến cáo người đi làm tự bảo vệ như trước) dự kiến sẽ còn kéo dài do số ca tử vong leo thang.

Sản xuất xe tại Bắc Mỹ, Châu Âu, châu Á gần như đóng băng vì COVID-19, Trung Quốc hồi sinh - Ảnh 1.

Các thương hiệu tại Nhật Bản hay Hàn Quốc luôn trong thế sẵn sàng đóng cửa nhà máy bất cứ lúc nào khi vốn dĩ không ít dây chuyền của họ cũng đã ngưng vận hành phần vì nhân viên nhiễm COVID-19, phần vì không đủ linh kiện cung ứng từ Trung Quốc.

Nhà máy sản xuất xe đặt tại các khu vực có quy mô sản xuất nhỏ hơn như Mexico, Nam Mỹ hay phần lớn Đông Nam Á hiện tại cũng không còn nhiều nơi mở cửa. Lệnh hạn chế di chuyển được nhiều chính phủ đưa ra cũng khiến nhu cầu mua xe giảm mạnh khiến các hãng không còn lượng cầu cần thiết dẫn tới việc họ sẵn sàng hơn trong tạm thời ngưng cấp nguồn cung.

Cho đến đầu tuần này, tới lượt Ấn Độ - một trong những "trụ sở" tập trung nhà máy của nhiều hãng xe trong khu vực cũng đã cảm nhận sức nóng của COVID-19 (341 người nhiễm, 5 tử vong tính đến sáng ngày 23/3) khiến hàng loạt tên tuổi buộc phải đóng cửa nốt nhà máy tại đây như Suzuki, Mercedes-Benz, Fiat Chrysler, Volkswagen hay Hyundai.

Sản xuất xe tại Bắc Mỹ, Châu Âu, châu Á gần như đóng băng vì COVID-19, Trung Quốc hồi sinh - Ảnh 2.

Như vậy, cán cân sản xuất trên thế giới đã đảo chiều 180 độ so với giai đoạn 2 tháng trước. Do đã phần lớn kiểm soát được nguồn lây lan dịch COVID-19, Trung Quốc đã cho phép các nhà máy địa phương, thậm chí là ở tỉnh Hồ Bắc vốn là tâm dịch, mở cửa trở lại.

Theo giới chuyên môn nhận định, Trung Quốc đã đưa ra "bài học" mà các quốc gia khác trên thế giới có thể nhìn vào để tự tìm ra cách phòng tránh COVID-19 lây lan từ rất sớm nhưng sự chủ quan đã, đang và sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình thế tương tự cuộc đại suy thoái diễn ra vào 2007.

Khi đó, cả 3 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ hoặc là rơi vào thế phải sáp nhập để tìm lối thoát, hoặc là phải cầu viện sự chi viện từ chính phủ. Hiện giờ, họ đang phải "gồng mình" sản xuất máy thở hỗ trợ chính quyền nước này dập dịch COVID-19 và mong chờ tổng thống Trump sẽ "báo đáp" bằng các biện pháp cứu trợ trong tương lai khi dịch kéo dài (dự kiến hết quý II). Liệu tình huống xấu nhất có một lần nữa xảy ra?

Tham khảo: Reuters

Sản xuất xe tại Bắc Mỹ, Châu Âu, châu Á gần như đóng băng vì COVID-19, Trung Quốc hồi sinh - Ảnh 3.