Theo tờ Nikkei Business Review, hãng Mazda hiện không thể sản xuất mẫu crossover cỡ nhỏ CX-3 tại nhà máy chính ở Hiroshima, Nhật Bản vì nhu cầu của người tiêu dùng dành cho CX-5 quá lớn. Hiện Mazda CX-5 đang được lắp ráp tại 2 nhà máy ở Hiroshima và Hofu, Nhật Bản. Vì Mazda CX-5 quá đắt khách nên hai nhà máy kể trên phải dành đến 95% công suất cho đối thủ của Honda CR-V trong năm tài khóa 2015 vốn sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau.

Do đó, các nhà máy của Mazda tại Nhật Bản không thể sản xuất đủ CX-3 để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Điều này buộc hãng Mazda phải tính đến phương án lắp ráp thêm CX-3 tại nhà máy AutoAlliance Thailand ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Dự kiến, hãng Mazda sẽ tiến hành kế hoạch sản xuất CX-3 tại Thái Lan ngay trong năm nay.

Trước đó, khi giới thiệu CX-3 tại thị trường Nhật Bản, ông Masamichi Kogai, chủ tịch hãng Mazda, đã từng khẳng định không có kế hoạch lắp ráp đối thủ của Honda HR-V tại nước ngoài. Có lẽ vào thời điểm đó, hãng Mazda không thể ngờ CX-5 lại hút khách đến thế.

Nhà máy AutoAlliance Thailand hiện vẫn còn trang thiết bị sản xuất từ mối quan hệ hợp tác giữa Ford và Mazda trước đó. Vì vậy, nhà máy AutoAlliance Thailand là lựa chọn hợp lý cho Mazda khi muốn sản xuất CX-3 ngoài Nhật Bản.

Dự kiến, nhà máy AutoAlliance Thailand sẽ nhập khẩu phụ kiện lắp ráp CKD từ Nhật Bản vào Thái Lan để lắp ráp Mazda CX-3. Sản lượng Mazda CX-3 của nhà máy AutoAlliance Thailand có thể đạt vài nghìn chiếc mỗi tháng. Hiện nhà máy AutoAlliance Thailand đang lắp ráp các mẫu xe khác như Mazda2, Ford Fiesta, Ford Everest, Mazda BT-50 và Ford Ranger.

Ngoài tình trạng quá tải ở các nhà máy tại Nhật Bản, hãng Mazda còn muốn chuyển địa điểm lắp ráp CX-3 để giảm nguy cơ liên quan đến tỷ giá hối đoái trong quá trình xuất khẩu. Nhờ đó, Mazda sẽ tránh được thuế nhập khẩu ô tô khá cao tại thị trường Thái Lan.

Theo một số nguồn tin, Mazda CX-3 sẽ chính thức được giới thiệu tại thị trường Việt Nam vào năm 2016. Đồng thời, Mazda CX-3 sẽ được lắp ráp ngay tại Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước.