Ông Stefan Moser, người đứng đầu về sản phẩm và công nghệ, cho biết: “Nếu chúng ta có một hệ thống thích hợp, chắc chắn nó sẽ tốt hơn con người. Hệ thống này sẽ không gọi điện khi lái xe, không bị mất tập trung vào các cô gái qua đường, không gây phiền nhiều cho người sử dụng”.

Như vậy, Audi đang hướng tới mục tiêu trở thành hãng sản xuất xe hơi đầu tiên trên thế giới ra mắt mẫu xe hoàn toàn tự động. Với việc trang bị tính năng tự lái cho chiếc sedan hạng sang này, Audi sẽ mang đến mẫu xe này yếu tố cạnh tranh đáng kể so với các mẫu xe ở cùng phân khúc như BMW 7-Series hay Mercedes-Benz S-Class. Tuy nhiên, việc cung cấp tính năng tự lái hoàn toàn cho A8 của Audi chưa hẳn là phương án tốt nhất. Trong khi các hãng sản xuất ôtô đang chạy đua với thời gian để ra mắt các mẫu xe tự lái, thì công nghệ này vẫn chưa được chính thức cấp phép ở một số quốc gia.

Có nhiều ý kiến tán thành việc đưa xe tự lái vào sử dụng thực tiễn. Kết quả từ nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng: Mỗi người Mỹ dành trung bình 250 giờ ngồi sau tay lái. Đồng thời, tai nạn xe hơi là nguyên nhân tử vong hàng đầu với người Mỹ ở độ tuổi trong khoảng 4-34, gây thiệt hại khoảng 300 tỷ USD/năm. Ở chiều ngược lại, ông Seigo Kuzumaki - Phó Giám đốc Công nghệ an toàn của Toyota - đã phản bác những ý kiến cho rằng: Toyota đang gấp rút chuẩn bị cho ra mắt mẫu xe tự lái. Bởi hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản này muốn tập trung vào các yếu tố an toàn tối đa cho các mẫu xe của họ hơn.  

Bên cạnh đó, một câu hỏi mà chưa có câu trả lời thỏa đáng, đó là nhà sản xuất hay chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xe lăn bánh trên đường. Bên cạnh đó, chi phi dành cho hệ thống cảm biến hiện quá cao. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng rộng rãi cho các sản phẩm thương mại.

Do đó, dù thời điểm các hãng sản xuất xe hơi cho ra mắt xe tự lái đang đến gần, nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra về mức độ an toàn của xe. Và rằng: Liệu máy móc có thay thế hoàn toàn con người hay không ? Các mẫu xe tự lái có bị đội giá lên hay không?

Theo Ly Huyền - Sống Mới