Nhiều người vẫn đỗ xe kiểu "mặc kệ tất cả"

Sở hữu một chiếc ô tô bây giờ đã là chuyện bình thường trong đời sống người dân. Không quá khó khăn để làm chủ một chiếc xế hộp khi kinh tế đang dần ổn định hơn. Nhưng có lẽ vì càng ngày lượng ô tô càng nhiều, nên những chuyện xung quanh nó, nhất là về ý thức sử dụng xe càng đáng phải bàn hơn. Điều dễ khiến người ta phải "tăng xông" nhất, đó là ý thức đỗ xe của chủ xe trên đường phố, nhất là ở Hà Nội nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng.

Ai đã lái xế hộp ở Hà Nội đều phải công nhận rằng, lượng xe thì đông đúc, đường sá chật chội nhưng khổ nhất là đỗ xe. Các con phố được đỗ xe đang ngày một bó hẹp lại khi thành phố ra quyết định cấm dừng đỗ ở 262 tuyến phố. Cánh tài xế chỉ còn cách tranh thủ đỗ ở những con phố cho phép, trước nhà dân, trong ngõ…, còn đỗ lâu thì đánh xe vào bãi gửi.

Vất vả là thế, nhưng ai cũng bảo nhau cố gắng chấp hành vì một cộng đồng lái xe văn minh và ý thức. Lái và đỗ xe có văn hóa, là điều bắt buộc khi sở hữu xế hộp ở Hà Nội.

Tuy nhiên, không thiếu những con sâu làm rầu nồi canh, những ví dụ điển hình cho việc đỗ xe theo phong cách mặc kệ tất cả, thích là đỗ…: đỗ chắn cửa hàng, đỗ chắn cửa nhà, leo lên vỉa hè đỗ sát cửa nhà người khác, đỗ chặn cả ngõ… Những cách đỗ xe rất đỗi xấu xí ấy, đang khiến người ta có ác cảm với người sở hữu ô tô. Họ bị mang cái tiếng oan là "Tưởng có ô tô mà thích đỗ thế nào cũng được", tất cả chỉ vì cái sự đỗ xe thiếu ý thức của vài thành phần cá biệt.


Chiếc xe Mercedes vẫn đỗ chắn cửa nhà mặc dù có dòng chữ Cấm đỗ xe trước cửa.

Chiếc xe Mercedes vẫn đỗ chắn cửa nhà mặc dù có dòng chữ Cấm đỗ xe trước cửa.

Trên diễn đàn dành cho xế hộp, nhiều người tỏ ra bức xúc trước việc chủ topic "tố cáo" xe đỗ ngay trước cửa nhà mình. Căn nhà mặt tiền trên phố Lý Nam Đế đã bị một chiếc Mercedes màu đen "trấn yểm" trước cửa. Chủ nhà về nhà lúc 10h tối và thấy chiếc xe đang "an tọa" nên không thể cho xe vào nhà nữa. Chủ nhân chiếc Mercedes còn "cẩn thận" leo lên hẳn vỉa hè chứ không chỉ đỗ dưới lòng đường, chặn hết đường ra vào của người khác.

Sau khi đăng tải, rất nhiều thành viên đã chia sẻ và đồng tình với sự bức xúc của chủ topic. Chủ nhà đã phải viết dòng chữ "Cấm đỗ xe trước cửa", chắc cũng vì bị chắn cửa nhà quá nhiều lần, vậy mà chủ chiếc xe Mercedes vẫn cố phớt lờ.

Đây không phải lần đầu tiên người ta lên án việc đỗ xe bừa bãi, đã có nhiều vụ, vì không vào được nhà, hay không di chuyển được xe qua ngõ vì bị chiếc ô tô vô duyên đỗ chặn, họ đã phải phun sơn hoặc viết giấy cảnh cáo gắn vào xe. Chưa kể, có người vì quá nóng giận, lại dùng cả gạch hay cào xe để "cảnh cáo" chủ xe dám đỗ đã sai lại còn đỗ lâu, không để lại số điện thoại.

Việc cào xe hay dùng ngôn ngữ của gạch hiển nhiên không phải là cách trả thù văn minh. Tuy nhiên cũng nói lên được phần nào sự bức xúc của những người chứng kiến việc đỗ thiếu ý thức của các tài xế. Mới đây, ở Thanh Hóa, người dân còn cùng nhau... khiêng chiếc xế hộp đỗ dưới lòng đường, gây cản trở đoàn đua xe đạp mà tìm mãi không thấy chủ xe đâu. Chiếc xe đỗ bừa dưới đường, chiếm luôn cả đường dành cho xe máy, nên mới có sự đồng lòng của người dân và ban tổ chức cuộc thi cùng khiêng 2 bánh của "chướng ngại vật" lên vỉa hè, lấy chỗ cho đoàn đua đang về đích.


Người dân và ban tổ chức cuộc thi xe đạp phải khiêng chiếc xe là chướng ngại vật lên vỉa hè.

Người dân và ban tổ chức cuộc thi xe đạp phải khiêng chiếc xe là "chướng ngại vật" lên vỉa hè.

Không biết chủ xe sau khi ra lấy xe có thấy ngại cho phong cách đỗ xe "mặc kệ tất cả" của mình. Nhưng thiệt hại rõ ràng là về phía họ khi mà xe chắc chắn đã mang thêm chục vết xước nhỏ, chưa kể trong đoạn clip, biển số đã bị cong trong quá trình khiêng xe. Không ít chủ xe sau khi ra lấy xe, mắt tròn mắt dẹt thấy vài vết cào bằng chìa khóa, thậm chí bằng gạch, hay bị phun sơn dòng chữ "Đỗ láo này!" hay "Ai bảo đỗ ngu". Nhẹ nhàng hơn, là một tờ giấy gắn vào gạt nước với những dòng không được nhã nhặn cho lắm, nhưng còn may chán vì không bị ăn vào sơn…

Văn hóa đỗ xe cũng cần học trước khi lướt xế hộp ngoài đường

Đã từng rơi vào tình cảnh không tài nào dắt xe vào nhà nổi vì bị ô tô chặn trước cửa, lại còn leo hẳn lên vỉa hè và đỗ sát cửa nhà, anh Hải Minh (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) bức xúc: "Cách nhà tôi vài căn là hàng ăn đêm, nên từ 9h tối người ta cứ thản nhiên đỗ xe trước cửa nhà. Đã đỗ láo lại còn sợ công an chăng, nên mới leo nửa xe lên vỉa hè sát cửa nhà, khiến nhiều hôm đi về không tài nào dắt xe máy vào nhà. Tôi phải đi hỏi bên quán ăn, rồi gào lên xung quanh xem ông nào đỗ mà thiếu ý thức thế. Có khi nghe thấy tiếng tôi gọi rồi nhưng họ vẫn chần chừ mãi mới ra đánh xe đi. Thà để lại tờ giấy ghi số điện thoại còn hơn tự nhiên như ruồi thế này!".

Anh Minh cũng thừa nhận, nhiều lần định mua sơn về phun vào xe, hay xì lốp cho bõ tức với những kiểu đỗ như thế này. Bởi anh phải khóa cổ xe máy vài tiếng ở ngoài đường do không dắt vào nhà được. Nhưng nghĩ đến việc trả thù cũng thiếu ý thức như việc đỗ xe, anh lại không nỡ. Câu hỏi của anh Minh cũng là thắc mắc chung của nhiều người: "Tài xế chỉ lo bị phạt vì đỗ sai quy định, còn họ mặc kệ chúng tôi à?".

Không chỉ nhà mặt đường, nhà trong ngõ cũng gặp phải cảnh khóc dở mếu dở nếu bị xế hộp 4 chỗ chắn. Cảnh một chiếc ô tô đỗ ở ngõ hẹp, khiến tất cả các phương tiện khác ra vào ngõ đều phải cẩn thận nhường né nhau, hoặc gây ra cảnh tắc đường là điều không hề khó gặp.

Việc đỗ xe bừa bãi, đỗ dưới lòng đường, đỗ trên vỉa hè, đỗ ở ngõ khiến những phương tiện giao thông khác phải vất vả vòng tránh, người dân đi bộ thì phải đi xuống lòng đường, hay chủ nhà không dắt xe vào được chính nhà mình. Nói chung, chỉ vì được việc của mình mà các tài xế sẵn sàng tùy tiện, mặc kệ người khác một cách thiếu ý thức.

Đỗ xe chỉ là một chuyện nhỏ, ấy vậy mà lại có sức ảnh hưởng rất lớn. Ngoài văn hóa lái xe, thì văn hóa đỗ xe cũng là một việc cần phải học trước khi lướt xế hộp ngoài đường chăng?

Theo Kênh 14/Trí Thức Trẻ