"Không thể nói xã hội nào giàu lên hoàn toàn lành mạnh cả, luôn luôn có mặt trái của nó"

Đoàn Hiếu Minh - Chủ tịch Regal Motor Cars

Theo báo cáo năm 2017 của Knight Frank, Việt Nam có tầng lớp siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới với số lượng sở hữu hơn 10 triệu USD là 610 người và trên 30 triệu USD là 200 người. Là người thường xuyên tiếp xúc với giới siêu giàu, ông nghĩ gì về những con số này?

Trước hết là tôi thấy mừng khi Việt Nam có nhiều người giàu lên. Người giàu là đầu tàu để kéo nền kinh tế tăng trưởng. Nếu như không có những doanh nhân giàu có, không có các kinh nghiệm, các tích lũy hay sự nghiệp của họ thì khó có thể kéo nền kinh tế vực dậy được.

Tuy nhiên, từ con số đó cũng có thể thấy một số mặt trái. Có thể một số người giàu lên không trong sáng, nhưng điều đó thì xã hội nào cũng có. Tuy nhiên, nếu năm sau, báo cáo của Knight Frank cho thấy nhiều người siêu giàu hơn thì càng đáng mừng, chứ không nên quá lo lắng về những mặt trái.

Trong một nền kinh tế còn nghèo như Việt Nam mà số lượng triệu phú đôla và người siêu giàu tăng cực nhanh cũng cho thấy khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Ông nghĩ gì về điều này?

Việc phân hóa giàu nghèo có nhiều nguyên nhân mà muốn giảm bớt thì chính sách của Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhìn chung thì người giàu cần đóng góp nhiều hơn cho xã hội, chứ không đơn thuần là tích lũy của cải và người nghèo cần có những cơ hội thoát nghèo tốt hơn. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta lại cản trở cơ hội kiếm tiền chính đáng của những người giàu.

Danh sách về những người siêu giàu của Knight Frank không được công khai nhưng trên sàn chứng khoán, phần lớn những người giàu nhất có nguồn gốc tài sản từ kinh doanh bất động sản. Tại sao lại không phải là các doanh nghiệp sản xuất như đã diễn ra ở Hàn Quốc với Samsung, LG, Huyndai…?

Việt Nam đang trên đà phát triển, người dân có nhu cầu ăn, ở ngày càng lớn. Trong đó, nhà cửa trở thành nhu cầu cấp thiết và ai đón được nhu cầu đó, tạo ra sản phẩm tốt thì người đó có quyền giàu lên. Những người siêu giàu trên sàn chứng khoán mà mọi người thấy đã nắm bắt được cơ hội đó.

Về việc so sánh với Hàn Quốc thì tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia có một định hướng phát triển khác nhau, không nước nào giống nước nào. Hàn Quốc là đất nước của sản xuất, nhưng một ví dụ khác là Singapore. Họ vẫn giàu nhưng là đất nước của dịch vụ, du lịch, y tế... Hàn Quốc chọn một đường đi, Singapore chọn một đường đi, Việt Nam chọn một đường đi. Và câu chuyện chọn đường đi nào thì sẽ sinh ra những người giàu phù hợp với hướng phát triển đó.

Theo số liệu thống kê của Knight Frank thì số lượng người siêu giàu khá nhiều nhưng thực tế ở Việt Nam là có rất ít người muốn công khai khối tài sản của mình, thậm chí là có người còn tìm mọi cách giấu sở hữu dù công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải chăng họ e sợ tâm lý ghét người giàu hay là điều gì khác?

Người Á Đông khác với phương Tây là sống hơi khép kín. Thời bao cấp, nhà nào có con gà còn không dám làm thịt ban ngày, bao nhiêu đời nay có tâm lý như thế rồi. Với những người làm kinh doanh, họ không muốn mọi thứ bị quan tâm một cách quá mức, để công việc của họ diễn ra thuận lợi.

Còn việc nói rằng họ không thích nói chuyện họ giàu thì không đúng đâu. Không thích nói giàu sao mua Rolls Royce, nhà đẹp... Quan trọng là họ chia sẻ với ai vì không thể chia sẻ với một cộng đồng rộng rãi được. Họ có cộng đồng riêng, chỉ không muốn chia sẻ với cộng đồng hay có cái nhìn tiêu cực thôi.