Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định, để được phép nhập khẩu xe, DN cần phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất, giấy này phải được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài xác nhận. Các DN cho biết, để có được giấy này, còn khó hơn cả chuyện "leo lên giời". Chính vì vậy, để tồn tại, nhiều DN đã phải tìm cách lách luật.

Những "chiêu" lách luật ngoạn mục

Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương được phép nhập khẩu 1 chiếc xe ôtô cá nhân đang sử dụng. Xe này được miễn thuế nhập khẩu, nhưng vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Dựa trên quy định này, các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng đã móc nối với các Việt kiều, làm thủ tục hồi hương, nhập tịch, để mang theo xe ô tô về Việt Nam.

“Cứ mỗi 1.000 USD giảm được trước thuế sẽ làm giảm khoảng hơn 2.000 USD giá thành xe sau thuế.”

Tuy nhiên, nhập xe theo hình thức này, chiếc xe đó phải được đăng ký lưu hành ở quốc gia mà Việt kiều định cư ít nhất là 6 tháng và chạy một quãng đường tối thiểu là 10.000 km, tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam. Vì vậy DN thường mua xe mới 100%, sau đó thông qua các Việt kiều để đăng ký ở nước ngoài 6 tháng, chạy hoặc điều chỉnh công tơ mét cho đủ 10.000 km đúng quy định mới nhập về.

Nhập xe theo con đường này có khi phải mất tới nửa năm mới đưa được 1 chiếc xe về nước và phải trả chi phí cho các Việt kiều "tham gia đường dây" số tiền không nhỏ, vậy nhưng hàng loạt xe sang không chính hãng đã tràn vào Việt Nam.


Siêu xe vẫn ùn ùn về Việt Nam bất chấp sự hạn chế của thông tư 20

Siêu xe vẫn ùn ùn về Việt Nam bất chấp sự hạn chế của thông tư 20

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nếu như năm 2011 chỉ 164 xe ôtô nhập khẩu theo con đường Việt kiều hồi hương thì sang năm 2012 đã lên gần 1.200 chiếc. Trong đó, xe nhập khẩu tập trung vào các loại sản xuất mới (năm 2011, 2012) và có giá trị cao như Rolls-Royce, Porsche, Bentley, BMW, Mercedes, Lexus... Sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều Việt kiều đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng, sang tên, chuyển nhượng cho đối tượng khác.

Đình đám nhất là "thương vụ" đưa Bugatti Veyron về Việt Nam, sau đó chiếc xe đã thuộc về gara của tay chơi xe hàng đầu Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) hồi tháng 2/2012. Siêu xe được mệnh danh “ông hoàng tốc độ” đã được đưa về TPHCM theo diện Việt kiều hồi hương. Với diện nhập khẩu này, chiếc siêu xe đời 2008 (giá bán tại Mỹ khoảng 800.000USD) chỉ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 45-60% (khoảng 480.000USD) và né được cả thuế nhập khẩu xe cũ và thuế giá trị gia tăng (khoảng 128.000USD).


Bugatti Veyron của Minh Nhựa được đưa về Việt Nam theo diện xe Việt kiều hồi hương.

Bugatti Veyron của Minh Nhựa được đưa về Việt Nam theo diện xe Việt kiều hồi hương.

Phong trào nhập xe theo con đường Việt kiều hồi hương rầm rộ đến hết 2013, thì bị xiết chặt và giảm hẳn.

Không chịu bỏ cuộc, để tiếp tục kinh doanh, các DN nhập xe không chính hãng lại nghĩ ra "chiêu trò" mới là xe biếu tặng. Bắt đầu từ 2014, xe nhập theo con đường quà biếu, quà tặng của các tổ chức nước ngoài cho các DN Việt Nam tăng mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2016, tổng cộng có cả ngàn giấy phép nhập khẩu xe ô tô dưới dạng quà tặng, quà biếu đã được cấp cho nhiều đơn vị, DN trong nước, mà chủ yếu là xe sang, siêu sang đắt tiền.

Mới đây, một chiếc Rolls-Royce Dawn trị giá hàng chục tỷ đồng đã đàng hoàng vào Việt Nam dưới dạng quà biếu, tặng của đối tác nước ngoài, làm cho DN nhập khẩu chính hãng cũng phải ngơ ngác.


Chiếc Rolls Royce Dawn mui trần tuyệt đẹp về Việt Nam dạng quà biếu tặng cho một doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân Hải Phòng.

Chiếc Rolls Royce Dawn mui trần tuyệt đẹp về Việt Nam dạng "quà biếu tặng" cho một doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân Hải Phòng.

Đây là 2 giải pháp tối ưu được giới buôn xe sử dụng trong thời gian qua, nhằm đối phó với yêu cầu về giấy ủy quyền chính hãng, được cơ quan chức năng dựng lên để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, đắt tiền.

Tốn kém vẫn rẻ hơn chính hãng

Nhập xe theo con đường Việt kiều hồi hương như đã nói, tuy mất thời gian và phải trả thêm chi phí cho các Việt kiều, nhưng bù lại thì không phải có giấy ủy quyền chính hãng, cùng với đó là được hưởng khoản miễn thuế nhập khẩu. Theo tính toán, nhập xe theo cách này, giá sẽ giảm được khoảng 1/3 so với xe chính hãng.

Số liệu của Cục Hải quan TP HCM cho biết, với khoảng 54 chiếc xe sang các thương hiệu Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche nhập theo đường Việt kiều hồi hương trong 2 năm 2011-2012 chỉ phải đóng thuế hơn 64 tỷ, trong khi đó nếu nhập bình thường các xe sang này phải chịu thuế hơn 200 tỷ đồng. Đương nhiên khi được giảm thuế, thì giá xe khi bán ra sẽ rất cạnh tranh, khiến xe chính hãng điêu đứng.

Còn nhập theo đường quà biếu, tặng như hiện nay có chi phí cao hơn, do phải chịu đầy đủ các loại thuế như xe nhập khẩu thông thường và còn chịu thêm thuế thu nhập bất thường. Nhưng các DN vẫn nhập về bởi lý do giá bán xe chính hãng khá cao.

Kể từ khi thị trường ô tô nhập khẩu được xiết chặt, chỉ còn xe nhập chính hãng, thì giá xe nhập khẩu bán trên thị trường duy trì ở mặt bằng khá cao. Ngoài thuế phí phải chịu ra, thì lợi nhuận của nhà nhập khẩu, nhà phân phối cũng được để ở mức cao. Thông thường, lợi nhuận 1 chiếc xe sang chính hãng được các DN giữ ở mức 10-15% giá bán xe. Lợi nhuận cao, đã đẩy giá bán xe lên cao, khiến cho xe nhập theo dạng quà tặng biếu tuy phải chịu nhiều thuế phí, vẫn có "đất" để tung hoành.


Lexus là một trong những thương hiệu được các nhà nhập khẩu tư nhân đưa về nhiều nhất, bên cạnh Range Rover, mặc cho việc cả 2 thương hiệu này đều có đại diện chính hãng ở Việt Nam do giá thành xe chính hãng niêm yết ở mức cao.

Lexus là một trong những thương hiệu được các nhà nhập khẩu tư nhân đưa về nhiều nhất, bên cạnh Range Rover, mặc cho việc cả 2 thương hiệu này đều có đại diện chính hãng ở Việt Nam do giá thành xe chính hãng niêm yết ở mức cao.

Bị hạn chế bởi thông tư 20, nhưng các DN nhập xe tư nhân vẫn có đất sống dù tốn nhiều thời gian và chi phí “lách luật”, do giá thành xe bị các nhà nhập khẩu chính hãng đẩy lên quá cao.”

Ngoài ra, còn phải kể đến các "chiêu trò" giảm giá khai báo của các DN. Hầu hết mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam theo con đường không chính thức thường được "hạ cấp" nhằm giảm giá trị xuống thấp, thuận lợi cho khai giá tính thuế với cơ quan Hải quan. Sau khi đã thông quan, tính thuế xong xe mới được "nâng cấp" trở lại.

Nếu nhập đúng các phiên bản như thiết kế của nhà sản xuất thì về Việt Nam giá sẽ rất cao và khó bán, chính vì vậy, các DN không làm theo kiểu này. Theo tính toán của một DN nhập khẩu, cứ mỗi 1.000 USD giảm được trước thuế sẽ làm giảm khoảng hơn 2.000 USD giá thành xe sau thuế. Chính vì vậy, xe nhập không chính hãng vẫn có lợi thế cạnh tranh với xe nhập chính hãng.