Hai văn phòng công chứng: Bên nhận sai, bên né tránh

Sau bài viết "Mất gần 800 triệu mua Ford Ranger, khóc ròng phát hiện xe cắm ngân hàng", phản ánh câu chuyện mua ô tô của anh Dương Văn Nam (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), Văn phòng công chứng Phía Nam thành phố (số 245, đường Cách mạng Tháng Tám, Tp.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã thừa nhận sai sót.

Đây là đơn vị đã chứng thực cho 2 bản hợp đồng mua bán xe giữa anh Lê Việt Dũng (người được chủ xe Trần Minh Quang ủy quyền) bán xe cho ông Nguyễn Chí Thọ (chủ showroom ô tô Thọ Hương (161 Cách Mạng Tháng 8, Phan Đình Phùng, T.p Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và hợp đồng giữa ông Thọ với anh Nguyễn Văn Tân (Thượng Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội), người đứng tên hợp đồng cho người mua Dương Văn Nam).

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 1.

Văn phòng công chứng phía nam thành phố (Thái Nguyên), nơi công chứng hai hợp đồng mua bán ô tô trong vụ việc.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng công chứng này thừa nhận: "Qua rà soát lại hồ sơ cũng như quy trình của công chứng viên, chúng tôi đã có sai sót vì không nhận thấy dấu hiệu không hợp pháp từ hợp đồng ủy quyền ban đầu giữa chủ xe là Trần Minh Quang và người được ủy quyền là anh Lê Việt Dũng. Do đó, đã dẫn đến việc công chứng cho hai hợp đồng mua bán kế sau".

Việc các hợp đồng mua bán xe đều được công chứng là một trong các mấu chốt khiến các bên mua tin tưởng vào tính hợp pháp của chiếc xe, từ đó gây ra vụ tranh chấp hiện nay.

Theo Luật Công chứng năm 2014 quy định, văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu giáp lai giữa các tờ.

Tuy nhiên, trong Hợp đồng ủy quyền số 08723 ký ngày 05/04/2018 giữa chủ xe Trần Minh Quang và người được ủy quyền Lê Việt Dũng, hai trang của hợp đồng này đã không hề có dấu giáp lai. Đơn vị công chứng cho bản hợp đồng này là Văn phòng Nguyễn Hương (LK6C, làng Việt Kiều Châu Âu, khu đô thị Mỗ Lao, Quận Hà Đông, Tp.Hà Nội).

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 2.

Hợp đồng ủy quyền bán xe giữa chủ xe là Trần Minh Quang và anh Lê Việt Dũng được cho là không hợp lệ.

Ngoài sai sót về thẩm định giấy tờ ủy quyền, Văn phòng công chứng Phía Nam thành phố cũng thừa nhận đã bỏ qua khâu tra cứu tài sản đảm bảo đối với chiếc Ford Ranger, trong khi đây là một trong những động thái cần thiết khi công chứng giấy tờ liên quan các tài sản lớn như ô tô, nhà đất...

Thậm chí, khi nhắc đến website của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo - Bộ Tư pháp, ông Thắng còn ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết đến kênh tra cứu này và cảm ơn phóng viên đã chỉ dẫn để sau đó sẽ…bổ sung kiến thức cho công chứng viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm trong vụ việc, ông Thắng nói: "Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm và sẵn sàng hợp tác đền bù bồi thường cho khách hàng. Văn phòng có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, mức bồi thường như thế nào cần dựa vào kết luận khi đưa ra tòa."

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 3.

Hợp đồng công chứng ủy quyền bán xe thể hiện nhiều lỗi trình bày, chính tả, sai địa chỉ văn phòng công chứng.

Như Xe VietNamNet đã phản ánh, chiếc Ford Ranger Wildtrak đời 2017 đang được thế chấp tại Ngân hàng VP Bank cho khoản vay 725 triệu đồng, bắt đầu từ ngày 09/01/2018. Nhưng chính vì những lỗ hổng trong công chứng trên, chiếc xe đã được bán trót lọt qua 2 cầu dẫn tới hậu quả vị khách cuối cùng Dương Văn Nam mất tiền nhưng không sang tên được.

Tiếp tục xác minh vụ việc, PV Xe VietNamNet đã tìm đến Văn phòng công chứng Nguyễn Hương theo địa chỉ được ghi trên hợp đồng ủy quyền.

Kết quả, tại địa chỉ số 55 LK6A Làng Việt Kiều Châu Âu, đường Nguyễn Văn Lộc, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội và các khu vực lân cận, chỉ có một trụ sở văn phòng công chứng nhưng biển đề tên lại là văn phòng công chứng Nguyễn Thương.

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 4.

Tìm theo địa chỉ văn phòng công chứng Nguyễn Hương thì nơi này hiện đề biển là văn phòng công chứng Nguyễn Thương.

Khi PV Xe VietNamNet đặt vấn đề làm việc, một trong số các nhân viên tại Văn phòng công chứng này xem bản hợp đồng ủy quyền và tiết lộ: trước đây, đã có nhiều trường hợp giả mạo chứng thực văn phòng công chứng này cũng đến đây thắc mắc.

Mặc dù vậy, khi vào việc chính thức, Trưởng văn phòng công chứng, bà Nguyễn Thị Lan Hương lại từ chối làm việc với lý do, đây không phải văn phòng công chứng Nguyễn Hương.

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 5.

Nhân viên văn phòng công chứng Nguyễn Thương đang xem bản sao hợp đồng ủy quyền có đóng dấu văn phòng công chứng "Nguyễn Hương".

Theo tìm hiểu của PV Xe VietNamNet, hai văn phòng công chứng Nguyễn Hương và Nguyễn Thương chỉ là một, khi có chung địa chỉ và mã số thuế, ngày hoạt động.

Trong đó, văn phòng công chứng mang tên Nguyễn Thương có giấy phép kinh doanh số 68 cấp ngày 4/5/2012 và sau đó 10 ngày, đổi sang văn phòng công chứng mang tên Nguyễn Hương với giấy phép cấp ngày 14/5/2012 với người đại diện trước pháp luật là bà Nguyễn Thị Lan Hương.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Liên quan vụ việc, Ngân hàng VPBank cho biết, hiện vẫn đang trong quá trình xác minh thông tin. Trong đó, ngân hàng nhấn mạnh các yếu tố cần tìm hiểu kỹ liên quan đến giấy đăng ký chiếc Ford Ranger trên nên cần thêm thời gian làm rõ trước khi thông tin chính thức tới báo VietNamNet.

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 6.

Chiếc Ford Ranger Wildtrak thế chấp ngân hàng nhưng vẫn có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông để giao dịch mua bán.

Nhiều tình tiết đáng ngờ vụ mất 800 triệu mua Ford Ranger cắm ngân hàng - Ảnh 7.

Nghi vấn chiếc Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông gốc vẫn được giao dịch mua bán trong khi xe đã thế chấp ngân hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết: "Hiện tại, các ngân hàng đều không trả Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông cho chủ xe sau khi duyệt thế chấp vì tính rủi ro rất cao. Việc này được thực hiện theo đúng Công văn 7000/NHNN-PC ban hành ngày 31/08/2017 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông".

Nói cách khác, khi nhận thế chấp chiếc xe Ford Ranger, VPBank sẽ phải giữ lại bản Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông gốc và chỉ cấp cho người vay Giấy biên nhận giữ bản cà vẹt gốc.

"Vì vậy, việc chiếc xe Ford Ranger đã cầm cố tại ngân hàng VPBank, vẫn có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông gốc để giao dịch mua bán mà không có sự tham gia của ngân hàng là đáng ngờ", luật sư Đức nhận xét.

Ông cho rằng, vụ việc cần có cơ quan điều tra xác minh xem, lỗi ở phía Ngân hàng, chủ xe hay thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giả mạo giấy tờ hay không.

Nếu VPBank giữ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông gốc thì có thể hiểu, chiếc cà vẹt trong vụ mua bán chiếc xe trên là giả. Nhưng nếu ngân hàng không giữ mà trả lại cho chủ xe Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông thì đó là lỗ hổng phát sinh từ ngân hàng. Chưa kể trách nhiệm của các bên liên quan cần được làm rõ, bao gồm cả chủ xe, người được ủy quyền bán và các văn phòng công chứng, không loại trừ việc cấu kết, cố tình giấu thông tin để lừa khách mua xe.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vị khách chịu thiệt hại lớn nhất là anh Dương Văn Nam cùng anh Nguyễn Văn Tân, người đứng tên trên hợp đồng nên làm đơn tố cáo tới cơ quan công an để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

"Chủ showroom là người giao dịch trực tiếp với anh Nam thì chắc chắn phải có quyền lợi và trách nhiệm liên quan, còn ai sai tới đâu và xử lý thế nào, cơ quan điều tra sẽ làm rõ," luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thọ, chủ showroom ô tô liên tục khẳng định, mình là nạn nhân khi đã tin tưởng vào ông Dũng và các giấy tờ ủy quyền, mua bán xe có công chứng.

Chân tướng vụ việc sẽ chỉ được sáng tỏ hơn khi ngân hàng VP Bank trả lời chính thức về trường hợp thế chấp này.