"Nắp bình xăng nhà sản xuất trong nước báo giá cho chúng tôi gần 4 USD, cao hơn gấp đôi so vs linh kiện Thái Lan", đại diện Toyota Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ 2019 tổ chức cách đây không lâu.

"Nhìn chung chênh lệch chi phí 200-300% cũng áp dụng với các linh kiện nhựa và mức chênh lệch này thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện ở bước cao hơn. Điều này sẽ không tạo ra lợi ích kinh tế để các doanh nghiệp làm nội địa hóa".

Theo vị đại diện của Toyota Việt Nam, một chiếc ô tô được cấu tạo từ hàng nghìn bộ phận khác nhau. Trong khi xe của Thái Lan và Indonesia đa phần lắp ráp từ linh kiện nội địa, chỉ có khoảng 10% linh kiện nhập khẩu thì tại Việt Nam, xe lắp ráp phải nhập khẩu tới hơn 80% linh kiện.

"Ngành sản xuất ô tô trong nước dù có sự khác nhau giữa hãng xe và mẫu xe nhưng nhìn chung, chí phí sản xuất, lắp ráp vẫn cao hơn so với xe nhập khẩu từ các nước ASEAN từ 10-20%".

Nguyên nhân khách quan được đưa ra là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam khá nhỏ, chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất sẽ lớn, chưa kể nguồn nguyên liệu đầu vào như thép, nhựa cũng phải nhập khẩu. Từ đó giá linh kiện nhà sản xuất trong nước đưa ra sẽ cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài.

Nắp bình xăng Việt Nam sản xuất giá 4 USD, nhập khẩu từ Thái Lan chỉ 2 USD: Bảo sao giá ô tô nội địa lại luôn đắt đỏ hơn xe Thái, Indonesia? - Ảnh 1.

Một đơn vị chuyên cung cấp vành xe cho Toyota, Trường Hải, Honda,... từng tâm sự rằng trong ngành sản xuất, phải có thị trường với dung lượng đủ lớn, quy mô đơn hàng phải lớn thì mới có thể giảm giá thành sản phẩm. Hiện đơn hàng doanh nghiệp này nhận được bình quân là 30.000-35.000 vành/tháng, trong khi để cạnh tranh phải có đơn hàng ít nhất 100.000 sản phẩm/tháng.

Kết quả là giá vành xe họ sản xuất cao hơn các nước trong khu vực từ 5-10%.

"Quy mô thị trường nhỏ và nguồn nguyên liệu thiếu hụt đang khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sản xuất ở mức chi phí cao hơn so với các nước trong khu vực, từ đó góp phần làm giá ô tô nội địa kém cạnh tranh hơn hẳn các sản phẩm nhập khẩu", đại diện Toyota Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Thaco Trường Hải chỉ ra một nguyên nhân khác đẩy giá xe lắp ráp tại Việt Nam cao hơn đó là chính sách thuế.

Đại diện Thaco Trường Hải cho biết thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã về 0% từ đầu năm 2018, nhưng thuế với linh kiện không giảm tương ứng, nên các nhà sản xuất trong nước khó giảm giá xe bán ra. Tương tự, thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư để sản xuất phụ tùng ô tô cũng cao hơn thuế nhập khẩu phụ tùng thành phẩm.

Từ đó, ông Tài đề xuất Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% với linh kiện trong nước không sản xuất được, đồng thời miễn thuế với các nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra loại linh kiện này.

"Mua rẻ hơn làm thì không ai làm để làm gì", đại diện Thaco Trưởng Hải nhận định.